Bắt đầu TIẾT KIỆM TIỀN hiệu quả từ việc TẠO NGÂN SÁCH

Bắt đầu tiết kiệm tiền ngay từ bây giờ, bạn sẽ nhận được quả ngọt vào một ngày không xa.

Tiết kiệm là một việc làm cần thiết. Điều này sẽ giúp bạn chinh phục mục tiêu tài chính và hạn chế rủi ro trong tương lai. Đặc biệt, tiết kiệm ngay từ khi còn trẻ sẽ giúp bạn dễ dàng xây dựng một cuộc sống ý nghĩa hơn.

Bài viết dưới đây là những cách tiết kiệm tiền hiệu quả mà bất cứ ai cũng có thể thực hiện. Nếu bạn sẵn sàng bắt đầu tiết kiệm tiền thì cùng tôi đọc hết bài viết này nhé.

Mục lục:

1.Tiết kiệm tiền là gì?

2.Mục đích tiết kiệm tiền

3.Tạo ngân sách chi tiêu

4.Bắt đầu tiết kiệm tiền

1. Tiết kiệm tiền là gì?

Trong kinh tế học, tiết kiệm là khoản thu nhập không dùng để chi tiêu ngay. Từ đó, ta có thể hiểu, tiết kiệm là khoản tiền để dành sau khi có được.

Khi còn nhỏ, nhiều bạn trong chúng ta từng để dành tiền ăn sáng để “nuôi heo đất”. Tiền trong heo đất được gọi là tiền tiết kiệm.

Việc tiết kiệm giúp chúng ta thực hiện kế hoạch tài chính khác và đủ sức vượt qua rủi ro xảy ra trong tương lai. Những kế hoạch đó có thể là mua nhà, mua xe, du lịch,… hay bất cứ việc gì cần đến tiền. Những rủi ro trong tương lai có thể xảy đến như: thất nghiệp, bệnh tật,…

Dịch COVID-19 lần 4 tại Việt Nam đã khiến nền kinh tế lao đao, nhiều người mất việc, phải bỏ phố về quê. Để khống chế dịch bệnh, chính quyền nhiều địa phương đã thực hiện giãn cách xã hội. Với người có tiền tiết kiệm đã có thể “sống chậm” chờ dịch qua. Còn không ít người sốngg phụ thuộc vào tiền lương hàng tháng lại lâm vào cảnh “chết chậm” vì thất nghiệp. Vì vậy, việc tiết kiệm để chuẩn bị cho tương lai là điều rất cần thiết.

Bắt đầu tiết kiệm tiền | tạo ngân sách | dương trung oanh

2. Mục tiêu tiết kiệm tiền

Sau khi đã hiểu tiết kiệm là gì thì đến lúc bạn cần đặt cho mình mục tiêu tiết kiệm tiền. Đây cũng là chìa khoá đầu tiên để bạn mở ra một cánh cửa bắt đầu tiết kiệm tiền của riêng mình.

Hãy suy nghĩ nghiêm túc về mục tiêu của bạn, và viết ra giấy. Điều này sẽ giúp bạn có một cái nhìn tổng quan để chuẩn bị tốt cho hành trình tiết kiệm trong tương lai.

Để mục tiêu được rõ ràng hơn, bạn có thể đặt mục tiêu tiết kiệm ngắn hạn và mục tiêu tiết kiệm dài hạn.

2.1 Mục tiêu tiết kiệm ngắn hạn

Mục tiêu tiết kiệm ngắn hạn là những kế hoạch cần chi tiêu trong tương lai gần. Mục tiêu này đòi hỏi bạn phải kiếm được một số tiền nhanh.

Mục tiêu ngắn hạn có thể bao gồm:

  • Đi du lịch cùng nhóm bạn thân;
  • Chi phí mừng thọ bố mẹ, ông bà;
  • Tiền mua quà sinh nhật cho người yêu;
  • Học phí các khoá học ngắn hạn,…

Dù mục tiêu ngắn hạn của bạn là gì thì cũng cần có một sự chuẩn bị đầy đủ. Điều này sẽ giúp bạn cân đối tài chính, không phải lấy khoản này bù khoản kia khi có sự cố.

mục tiêu tiết kiệm tiền | dương trung oanh

2.1 Mục tiêu tiết kiệm dài hạn

Mục tiêu tiết kiệm dài hạn là điều mà tôi khuyến khích bạn nên lập kế hoạch ngay bây giờ. Điều này không chỉ giúp bạn thực hiện mục tiêu tài chính trong tương lại mà còn giúp bạn an tâm khi có biến cố xảy ra.

Bạn đang mong muốn gì trong tương lai? Một ngôi nhà sang trọng với view hướng ra bờ sông hay một kế hoạch nghỉ hưu sớm?

Hãy nghĩ đến những mục tiêu tiết kiệm dài hạn trong tương lai và lên kế hoạch phù hợp. Sau đó, chúng ta cùng bắt tay vào hành động thôi nào.

Theo tôi, bạn nên lập cả hai mục tiêu: ngắn hạn và dài hạn. Vì mục tiêu ngắn hạn sẽ giúp bạn tận hưởng cuộc sống chất lượng hơn trong khi thực hiện mục tiêu dài hạn.

3. Tạo ngân sách để bắt đầu tiết kiệm tiền

Khi đã xác định rõ mục tiêu của bản thân thì bạn cần phải tạo cho mình ngân sách chi tiêu. Đây chính là số tiền thu – chi hàng tháng của bạn và gia đình. Bạn đừng chỉ nghĩ đến nó, mà hãy tạo ngân sách để bắt đầu tiết kiệm tiền thôi nào

Việc bạn nghĩ trong đầu và tạo một ngân sách hoàn toàn khác nhau. Việc tạo ngân sách sẽ giúp bạn nghiêm túc đánh giá tình trạng bản thân và thực hiện chi tiêu kế hoạch hơn.

Nếu bạn không biết bắt đầu từ đâu, hãy nghĩ đến hai phương pháp phổ biến sau:

3.1 Phương pháp 50/20/30

Đây là phương pháp giúp chia nhỏ chi phí của bạn thành tỷ lệ phần trăm. Gồm: 50% cho cuộc sống, 20% cho các mục tiêu tài chính và 30% cho chi tiêu cá nhân.

Đây là phương pháp được nhiều người áp dụng. Vì phương pháp 50/20/30 hoàn toàn có thể thực hiện mục tiêu tài chính và mang đến sự thoải mái trong chi tiêu.

Ví dụ: Nếu thu nhập của bạn là 10 triệu/tháng. Bạn có thể dành 5 triệu cho cuộc sống (tiền nhà, tiền ăn, tiền sinh hoạt,…), 3 triệu cho chi tiêu cá nhân (học hành, du lịch,…) và 2 triệu cho mục tiêu tài chính (tiết kiệm hoặc đầu tư).

3.2 Phương pháp 60/20/20

Cũng giống như phương pháp trên, đây là việc chia nhỏ chi phí của bạn thành tỷ lệ phần trăm. Trong trường hợp này, 60% thu nhập của bạn dành cho cuộc sống, 20% cho mục tiêu tài chính và 20% cho nhu cầu cá nhân.

Nhiều chuyên gia tài chính thường xuyên đề xuất phương pháp này. Vì đây là phương pháp ưu tiên chất lượng cuộc sống của bạn nhiều hơn nhu cầu cá nhân. Một cuộc sống chất lượng ở thì hiện tại cũng là điều mà chúng ta cần hướng đến.

Cả hai phương pháp này đều dành 20% cho các mục tiêu tài chính. Đây là phần trăm mà hầu hết tất cả chúng ta đều có thể làm được. Dù bạn kiếm được bao nhiêu tiền mỗi tháng, thì việc tiết kiệm 20% là đều không quá khó để thực hiện.

Chỉ cần kiên trì làm theo kế hoạch, theo thời gian, bạn sẽ phải ngạc nghiên với số tiền mình kiếm được.

Tạo ngân sách chi tiêu | dương trung oanh

3.3 Phương pháp tiết kiệm khắc nghiệt

Đây là phương pháp mà tôi đã thực hiện khi bắt đầu tiết kiệm tiền. Và có lẽ sẽ không phù hợp với phần đông chúng ta. Tôi đã đành phần lớn thu nhập của mình, khoảng 60% cho mục tiêu tài chính. Còn lại 40% tôi dùng để chi trả sinh hoạt phí và nhu cầu cá nhân.

Tôi đã thành công với phương pháp này bởi vì tôi thực hiện nó ngay khi vừa tốt nghiệp đại học. Lúc này, tôi độc thân, không gánh nặng kinh tế và hoàn toàn có thể tự kiểm soát tài chính cá nhân.

Bên cạnh đó, với thói quen chi tiêu tiết kiệm từ thời sinh viên không thay đổi sau tốt nghiệp. Tôi đã không mất thêm quá nhiều chi phí cho nhu cầu cuộc sống.

Nhờ phương pháp này, tôi đã tiết kiệm được hầu hết thu nhập của mình. Và sau vài năm, tôi đã đạt được mục tiêu tài chính đầu tiên là sở hữu bất động sản.

Nếu bạn mong muốn đạt được kế hoạch tài chính sớm thì hãy cân nhấc áp dụng phương pháp này.

4. Bắt đầu tiết kiệm tiền

Sau khi đã chuẩn bị sẵn sàng và lên kế hoạch cần thiết thì chúng ta bắt đầu tiết kiệm tiền thôi nào.

Bên cạnh việc tiết kiệm theo các phương pháp mà tôi đã đề cập ở trên, bạn có thể kiếm tiền từ các chi phí khác. Đây là những chi phí cho nhu cầu cuộc sống hàng ngày. Nếu chịu khó quan sát, bạn có thể phát hiện những lỗ hỏng khiến tiền trong túi bạn chảy ra ngoài đấy.

Bây giờ, chúng ta hãy cùng bắt đầu tiết kiệm tiền từ những cách đơn giản mà không kém phần hiệu quả dưới đây nhé!

4.1 Bắt đầu tiết kiệm tiền cho hoá đơn hàng tháng

Bạn có phải là người nắm rõ các hoá đơn hàng tháng của gia đình mình? Chi phí dành cho tiền điện, tiền nước, internet, truyền hình cáp, xăng xe, điện thoại,… có đang vượt tầm kiểm soát.

Nếu bạn chưa nắm rõ các chi phí này, hãy liệt kê ra giấy. Đây là nhu cầu dành cho cuộc sống. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể giảm bớt thi phí này mà không làm giảm chất lượng cuộc sống.

Ví dụ: Bạn có thể tắt bớt những thiết bị điện không dùng (mở cửa số thay vì máy lạnh, tắt bớt điện khi ra khỏi nhà,…). Ngoài ra, bạn nên tìm hiểu các thiết bị thiết kiệm năng lượng. Điều này sẽ giúp bạn tiết kiệm khoản tiền kha khá mỗi năm.

4.2 Bắt đầu tiết kiệm tiền khi mua hàng hoá và thực phẩm

Để tránh bị các gian hàng giảm giá mời gọi, bạn cần danh sách mua sắm. Bạn có thể viết danh sách ra giấy hoặc ghi chú trong điện thoại,… và tuân thủ theo nó.

Rất nhiều nhãn hàng rất biết cách chiều khách với những chiêu bài như: giảm giá, mua 1 tặng 1,… Tuy nhiên, bạn có cần mua thêm giấy vệ sinh vì chúng đang giảm 50% khi nhà bạn còn rất nhiều? Bạn có cần mua thêm lốc nước ngọt vì được tặng thêm một cái ly?

Thực tế, bạn không cần lắm đâu. Việc mua sắm theo cảm xúc nhất thời có thể là liều thuốc độc trong tiêu dùng đấy. Để tránh “chết chìm” trong những cảm xúc tiêu dùng đấy thì bạn hãy giữ danh sách mua sắm làm “phao cứu sinh” nhé.

Hãy liệt kê danh sách hàng hoá và thực phẩm bạn cần dùng trong tuần, và tuân thủ theo nó. Như vậy bạn đã có một cuộc sống đủ chất lượng rồi.

tiết kiệm tiền khi mua hàng hoá | dương trung oanh

4.3 Bắt đầu tiết kiệm tiền cho nhu cầu cá nhân

Thành thật đi, bạn có phải là tín đồ của shopping không?

Bạn có đang là khách hàng thường xuyên của các quán bar, nhậu, cà phê, trà sữa,… nào không? Đây thực sự là “ký sinh trùng” bòn rút tiền theo cảm xúc của bạn đấy.

Nếu cần mua sắm, bạn hãy chọn những món đồ thực tế có thể sử dụng thường xuyên. Đừng nên mua một bộ váy vì nó trông có vẻ đẹp mắt.

Các chuyên gia khuyên rằng trước khi muốn mua món hàng nào, bạn hãy đợi 30 ngày. Sau 30 ngày, bạn vẫn còn muốn sở hữu món hàng đó thì hãy mua. Còn không, bạn đã tiết kiệm được một khoản tiền rồi đấy.

Nếu bạn cần một cốc cà phê để tỉnh táo cho một ngày làm việc mới. Hãy tự pha cà phê thay vì ghé quán. Trung bình, một cốc cà phê đen có giá 30 ngàn đồng, cà phê sữa có giá 40 ngàn đồng. Đây là con số không quá lớn.

Tuy nhiên, bạn hãy thử tính xem, mỗi ngày một cốc cà phê thì một năm bạn đã tốn bao nhiêu tiền? Gần 11 triệu đồng. Đây có còn là con số nhỏ không nào.

Đừng nên quá hà khắc với bản thân, hãy chuyển sang cách tận hưởng khác với chi phí thấp hơn.

Đọc đến đây, bạn đã sẵn sàng bắt đầu tiết kiệm tiền chưa nào? Đây là việc bạn hoàn toàn có thể thực hiện. Hãy lên kế hoạch và thực hiện ngay từ bây giờ, bạn sẽ được đền đáp xứng đáng trong tương lai.

Nếu bạn có thêm mẹo hữu ích về tiết kiệm tiền, mời bạn chia sẽ dưới bình luận hoặc gửi email cho tôi nhé!

TRUNG OANH

About The Author

Scroll to Top