Bằng cách chia sẻ những câu chuyện, bạn hoàn toàn có thể ngồi tại nhà viết bài dự thi để kiếm tiền trong mùa dịch COVID-19. Phương pháp này không chỉ đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh mà còn giúp bàn rèn luyện kỹ năng viết tốt hơn.
Ngày nay, việc viết lách kiếm tiền không chỉ dành riêng cho những “cây bút” chuyên nghiệp. Thời gian qua, nhiều đơn vị thường xuyên triển khai những cuộc thi viết dành cho mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp trong xã hội.
Qua các cuộc thi đó, nhiều tài năng mới cũng được phát hiện, bồi dưỡng và thành công trong nghề viết. Trong đó, có không ít các cây bút trẻ đang là các học sinh, sinh viên và người lao động. Điều này đã minh chứng cho việc viết bài dự thi không chỉ là sân chơi của những người chuyên nghiệp.
Nếu bạn là một người đam mê viết lách. Hay bạn cần kiếm thêm thu nhập trong mùa dịch. Hoặc bạn chỉ muốn chia sẻ những câu chuyện hay, cảm động đến mọi người. Bài viết này dành cho bạn.

Những cuộc thi viết đang diễn ra
1/ Cuộc thi viết “Nhật ký Đối mặt COVID-19” do Báo Quân đội nhân dân tổ chức.
Đối tượng tham dự: Mọi công dân Việt Nam, kiểu bào và cả người nước ngoài.
Nội dung:
Nhật ký, ghi chép, bài đăng trên mạng xã hội kèm hình ảnh là những câu chuyện xúc động, người thật việc thật; Nhật ký phóng viên, ghi chép của phóng viên dưới dạng nhật ký phản ánh góc nhìn chân thực về cuộc chiến phòng, chống COVID-19.
Ngoài ra, người dự thi còn có thể viết các bài viết phản ánh, người thật việc thật về công tác phòng chống dịch bệnh. Cuộc thi không chấp nhận những tác phẩm có tính hư cấu.
Ban tổ chức trao giải hằng tháng, gồm:
- Giải Nhất 5 triệu đồng.
- Giải Nhì 3 triệu đồng.
- Giải Ba 2 triệu đồng.
Thời gian dự thi: Từ năm 2020 đến hết năm 2021.
2/ Cuộc thi viết “Chân dung cuộc sống” do Tạp chí Nhà văn và Cuộc sống của Hội Nhà văn Việt Nam phát động.
Đối tượng tham dự: dành cho tất cả mọi người.
Nội dung:
Các tác phẩm tập trung khắc hoạ người thật việc thật về những con người đã có đóng góp cho sự phát triển của đời sổng, kể cả người đã khuất.
Mỗi tác giả được gửi tối đa 3 tác phẩm. Mỗi tác phẩm không quá 4.000 chữ và chưa được công bố trên bất kỳ phương tiện truyền thông (hoặc mạng xã hội).
Giải thưởng:
- Giải Xuất sắc – trị giá 50 triệu đồng.
- Gải Nhất – trị giá 30 triệu đồng.
- Các giải Nhì, Ba và Khuyến khích có giá trị lần lượt là 20 triệu, 10 triệu và 5 triệu đồng.
Thời gian dự thi: Từ ngày 1-7-2021 đến ngày 1-7-2023.

3/ Cuộc thi viết “Đồng lòng chống dịch” do Báo Thanh niên tổ chức.
Đối tượng tham dự: Mọi công dân Việt Nam và cả người nước ngoài đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam.
Nội dung:
Chuyện kể, ghi chép lại sự đồng lòng, chung sức, đồng hành, ý thức, kinh nghiệm, cảm xúc, cổ vũ tinh thần đoàn kết, sáng tạo, góp công sức và trí trong công cuộc phòng chống dịch.
Điển hình của sự chung sức, chung lòng, tương trợ nhau cùng ổn định cuộc sống.
Chia sẻ khó khăn với các cấp chính quyền, cộng đồng, doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh.
Bài dự thi không dài quá 1.600 chữ, kèm hình ảnh liên quan đến nội dung. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm.
Giải thưởng:
- 1 giải nhất trị giá 20 triệu đồng.
- 1 giải nhì trị giá 15 triệu đồng.
- 1 giải ba trị giá 10 triệu đồng.
- 5 giải khuyến khích trị giá 3 triệu đồng/giải.
- 1 giải Bài viết được bạn đọc yêu thích nhất (bài có số lượt xem và like cao nhất trên Thanh Niên Online) trị giá 5 triệu đồng.
Thời gian dự thi: Kết thúc vào thời điểm phù hợp theo quyết định của Ban tổ chức.
4/ Cuộc thi viết “Tình người nơi tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19” do Liên đoàn Lao động TPHCM triển khai.
Đối tượng tham dự: Đoàn viên, công đoàn, cán bộ, công chức, người lao động. Viết về công tác phòng, chống dịch ở TP theo thể loại văn xuôi (truyện ngắn, bút ký, tản văn, bài báo,…).
Nội dung:
Có thể là chuyện kể, ghi chép lại cảm xúc về những câu chuyện người thật, việc thật trong phòng, chống dịch bệnh.
Bài viết tham gia dự thi chưa được đăng, phát trên báo đài, trang tin, bản tin. Độ dài bài viết từ 700 đến 1.000 từ (khuyến khích đính kèm ảnh minh hoạ).
Thời gian dự thi: Đến hết ngày 10-9-2021.
5/ Cuộc thi viết “Sài Gòn, ngày…tháng…năm…!” do An Group tổ chức.
Đối tượng tham dự: Tất cả mọi người dùng mạng xã hội facebook, không giới hạn độ tuổi.
Nội dung:
Bày tỏ những hoài niệm, những yêu thương, cảm xúc bản thân và những câu chuyện đẹp tại Sài Gòn.
Chia sẻ suy nghĩ, quan điểm của cá nhân về những vấn đề trong cuộc sống, trong những ngày giãn cách xã hội/cách ly.
Nói lên quyết tâm trong công tác phòng chống đại dịch.
Bài viết không quá 1.000 chữ. Thể hiện dưới dạng tự do (văn thơ, văn xuôi, tuỳ bút, tản văn,…).
Giải thưởng:
- 1 giải nhất: 5 triệu đồng + quà tặng.
- 1 giải nhì: 3 triệu đồng + quà tặng.
- 1 giải ba: 2 triệu đồng + quà tặng.
- 4 giải khuyến khích: 500 nghìn đồng/giải + quà tặng.
Thời gian dự thi: Từ ngày 16-6-2021 đến ngày 15-8-2021.
Và nhiều cuộc thi viết khác đang tổ chức mà bạn có thể tìm hiểu thêm.

Ví dụ minh hoạ về viết bài dự thi
Để những bạn chưa từng viết bài dự thi, tôi sẽ chia sẻ một bài viết mà bản thân đã tham gia. Đây là bài dự thi gửi đến cuộc viết “Tiếp sức nơi tuyến đầu chống dịch” do Công đoàn Công an nhân dân tổ chức.
Bài dự thi mang tên:
Tình người trong cơn đại dịch
Khi ánh nắng yếu ớt cuối ngày mờ dần trên những tán cây, một chú cán bộ hưu trí ở Quận 1 cầm theo 1,6 triệu đồng đến toà soạn Báo Công an TPHCM với mong muốn ủng hộ đến Quỹ mua vaccine phòng Covid-19. Khi nhận những tờ tiền được vuốt thẳng tắp và biết đây là toàn bộ số tiền lương hưu tháng này của chú khiến chúng tôi không khỏi xúc động, cảm phục.
“Vaccine nghĩa tình”
Khi trò chuyện với chúng tôi, chú mong muốn được giấu tên. Chú bảo: “Khi cả nước cần thì mình chung tay, vậy thôi. Chú cũng lớn tuổi rồi, chả tiêu pha bao nhiêu. Mà giờ dịch bệnh nguy hiểm thế này thì mình bỏ đi vài cử cà phê, bớt con cá trong bữa ăn mà thành phố nhanh chóng yên ổn, người dân có thể tiếp tục cuộc sống mưu sinh thì cũng đáng mà!”.
Nói đoạn, chú trao tiền đến Báo Công an PHCM rồi lặng lẽ rời đi. Nhìn bóng lưng chú dần khuất theo ánh nắng cuối ngày khiến những người ở lại như chúng tôi không khỏi bồi hồi, xúc động.
Đây không phải là trường hợp cá biệt mà Báo Công an TPHCM tiếp nhận trong những ngày khởi xướng cả nước cùng chung tay phòng, chống dịch. Chúng tôi cũng đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp cán bộ hưu trí góp lương hưu, các em nhỏ nuôi heo đất gửi đến Báo với mong muốn “có gì góp đó, ủng hộ cả nước nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh”. Chính những hình ảnh chân chất đó đã giúp chúng tôi thêm niềm tin, động lực để xây dựng và triển khai các chương trình thiện nguyện không mệt mỏi.
Bên cạnh những cá nhân quyên góp vài trăm ngàn, Báo Công an TPHCM cũng đã vận động được nhiều doanh nghiệp, doanh nhân góp thêm hàng tỉ đồng phục vụ cho công cuộc phòng, chống dịch bệnh. Nhờ sự đóng góp chung sức, chung lòng này, chúng ta hoàn toàn có thể lạc quan tin tưởng về một chiến thắng tuyệt đối nữa của TPHCM trước sự tấn công của virus nguy hiểm cùng biến chủng của nó.
Tiếp sức chống dịch
Tại Gò Vấp, trong những ngày đầu thực hiện Chỉ thị 16, chúng tôi đến chốt kiểm soát dưới chân cầu Chợ Cầu. Giữa cái nắng trưa oi ả hơn 30 độ, mồ hôi thấm đẫm trên tấm lưng của những thành viên trong tổ kiểm soát. Nhiều gương mặt sạm màu vì nắng gió, bụi đường.
Để kịp thời hỗ trợ người dân, Trung tá Trần Quang Vương – Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông – Trật tự Công an Quận Gò Vấp liên tục nhắc nhở các thành viên trong tổ nhanh chóng hướng dẫn, giúp đỡ người dân khai báo y tế để ra – vào địa bàn này. Dù mệt mỏi, nhưng mỗi người vẫn cố gắng động viên nhau bằng những cái vỗ vai chân tình để cùng vượt khó.
Cách đó không xa, một chiếc xe tải chở đầy hàng hoá, vật phẩm từ những “tấm lòng vàng” chung tay gửi tặng đến cán bộ chiến sĩ, nhân viên y tế đang làm nhiệm vụ tại các điểm kiểm soát trên địa bàn Gò Vấp. Những phần quà này cũng chính là những “ngày lương hưu”, những “con heo đất” của các cá nhân và kinh phí của doanh nghiệp mong muốn “tiếp sức” cho lực lượng đang ngày đêm gồng mình bám trụ tại các “điểm nóng” dịch bệnh.
Khi xe vừa cập bến, Thượng tá Hồ Văn Thân – Phó Trưởng Công an Quận Gò Vấp cùng Thiếu tá Nguyễn Công Danh – Bí thư Đoàn Thanh niên Công an TPHCM nhanh chóng kiểm tra, đôn đốc các chiến sĩ trẻ đưa đến chốt kiểm dịch dưới chân cầu Chợ Cầu để hỗ trợ lực lượng làm nhiệm vụ tại đây.
Ngoài các điểm kiểm soát trên địa bàn Gò Vấp, Báo Công an TPHCM còn phối hợp cùng Đoàn Thanh niên CATP và Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt CATP tiếp tục mang những phần quà ý nghĩa được cộng đồng doanh nghiệp gửi tới lực lượng đang làm nhiệm vụ ở Quận 12.
Để không phụ lòng của những bạn đọc nghĩa tình, Báo Công an TPHCM thường xuyên làm “cầu nối” trao tặng từng chai nước, thùng mì của bà con đến những “lá chắn thép” tại 12 điểm chốt, trạm kiểm soát dịch bệnh ở các cửa ngõ TP.
“Nhận được những món quà ý nghĩa mà cộng đồng, các doanh nghiệp gửi tặng đến các lực lượng cùng sát cánh chống dịch, bản thân anh, em đang công tác cảm giác rất vui và hạnh phúc. Những món quà ý nghĩa này như càng thêm lan tỏa thêm động lực không hề nhỏ để tụi em tiếp tục thực hiện công tác” – chị Nguyễn Diệu Nhi, nhân viên y tế tại chốt chân cầu vượt Sóng Thần (TP.Thủ Đức) xúc động nói.
Chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, thành phố sẽ đẩy lùi được dịch bệnh và phát triển thần tốc như bản chất vốn có. Mỗi người dân lại tất bật ra đường với cuộc sống mưu sinh hối hả của riêng mình.
Thế nhưng, sau cơn đại dịch này, từng nghĩa cử cao đẹp sẽ mãi còn đọng lại trong ký ức của chúng ta – những người “có sức góp sức, có của góp của”. Vả lịch sử thế giới sẽ phải cảm phục trước hình ảnh một đất nước nhỏ bé nhưng quật cường, dù gian khó nhưng luôn đoàn kết để xây dựng một Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, nghĩa tình.
Người tham dự: Trung Oanh – Đức Nam
Tác giả trả lời phỏng vấn về cuộc thi viết “Tiếp sức nơi tuyến đầu chống dịch” trên kênh ANTV.
Hiện nay có rất nhiều cuộc thi viết đang diễn ra, với nhiều chủ đề khác nhau. Trong khuôn khổ bài viết, tôi chỉ đề cập đến những bài viết liên quan phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Hy vọng những thông tin trong bài viết sẽ giúp ích đến bạn.
Nếu bạn thích về nghề viết, và muốn thử thách ở nhiều lĩnh vực khác chuyên về viết lách, bài viết này dành cho bạn:
TRUNG OANH
Vui lòng đọc kỹ bản quyền trước khi sao chép nội dung bài viết này.
Thông tin về tác giả.