Viết Lách Kiếm Tiền Cho Người Mới Bắt Đầu

Đây không chỉ là sân chơi cho những người viết chuyên nghiệp mà dành cho tất cả các bạn – bất cứ ai muốn thử thách mình với con chữ. Nếu bạn là một người mới, muốn kiếm tiền từ nghề viết – mời bạn cùng tôi tham gia hành trình “gánh chữ mưu sinh”.

Hành trình của tôi bén duyên với nghề viết

Từ công việc mưu sinh

Trước khi bắt đầu hành trình của một người viết kiếm sống. Tôi sẽ kể cho bạn nghe về câu chuyện của mình. Còn nhớ, thời đi học, thầy giáo hay nói đùa với lớp chúng tôi rằng “Trung bình một chữ sẽ kiếm được khoảng 1.500 đồng. Nếu phải nói “anh yêu em” thì hãy nói “anh yêu em nhiều lắm”. Làm vậy thì thay vì có 4.500 đồng thì các em lại có 7.500 đồng”. Đó là một trong những ký ức vui thời còn ngồi trên giảng đường trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TPHCM, chuyên ngành báo chí.

Năm 3 đại học, tôi thấm thía lời thầy khi hiểu mỗi chữ đều có thể “nhả” ra tiền nếu biết cách viết. Chính vì vậy, tôi đã viết rất hăng say, viết ngày viết đêm để cộng tác ở các tờ báo. Sau ba tháng miệt mài dán mắt vào màn hình máy tính để viết đến mờ mắt, ù tai,… rồi chẳng có tờ báo nào đăng bài viết của tôi cả!

Đến đam mê nghề nghiệp

Từ lần thất bại đó, tôi đã quyết định thay đổi “chiến thuật”. Thay vì viết lung tung, không có nội dung cố định, tôi dành một khoảng thời gian để nghiên cứu về cách viết của từng tờ báo cũng như thế mạnh bản thân. Nhờ vậy, tôi đã tìm ra được một vài tờ báo phù hợp để cộng tác thường xuyên. Sau hơn một năm viết không ngừng nghỉ, ngoài nhuận bút tôi còn được một tờ báo lớn tại TPHCM trả lương. Đồng thời, tôi được tờ báo này nhận vào làm ngay sau khi vừa tốt nghiệp.

Tôi không kể chuyện này để các bạn nghĩ chỉ “dân báo chí” mới có thể viết kiếm tiền. Mà nghề viết dành cho tất cả các bạn, nếu chịu khó tìm hiểu và rèn dũa câu từ mỗi ngày. Vì tôi không chọn nghề viết ngay từ đầu. Tôi chọn học báo chí vì đây là ngành nghề “hot” của khối C vào thời điểm đó. Trong 2 năm đầu đi học, tôi làm đủ thứ nghề để kiếm sống. Từ phục vụ nhà hàng tiệc cưới đến buôn bán hàng hoá. Đến năm ba, tôi buộc phải chọn thực tập tại một cơ quan báo chí để đủ điều kiện tốt nghiệp ra trường. Lúc này, tôi mới nghiêm túc nghĩ về ngành nghề đang học.

Tôi nghĩ, nếu biết sớm hơn về việc viết chữ “đẻ” ra tiền thì tôi đã cố gắng tập viết sớm hơn để không phải làm những công việc tay chân vất vả mà chẳng kiếm được bao nhiêu. Bạn có biết, thời điểm tôi làm phục vụ nhà hàng với mức lương 800 ngàn/tháng, nhưng một bài viết ngắn đăng trên chuyên mục Tuổi trẻ cuối tuần có nhuận bút đến 900 ngàn đồng. Sau cảm giác sung sướng khi cầm tiền nhuận bút trên tay, tôi bỗng nghĩ về những năm tháng làm phục vụ phải chạy bàn đến rã rời chân tay với đồng lương ít ỏi.

Vì vậy, ngày hôm nay, tôi muốn chia sẻ đến các bạn về hành trình của một người viết kiếm tiền cũng như cách tôi đã “luyện ngòi bút” như thế nào để có thể sống với nghề này.

Cách để bắt đầu một bài viết

Thực ra, chẳng có bí quyết gì cao siêu để bắt đầu một bài viết cả. Chỉ đơn giản, bạn hãy ngồi xuống và viết ra những suy nghĩ trong đầu. Biến nó thành một viết để người khác hiểu bài đọc và cảm thấy có ích.

Tại sao tôi lại nói là “hiểu và cảm thấy có ích”. Bởi vì, nếu viết mà người khác hiểu chứng tỏ bạn có khả năng ngôn từ. Nhưng bạn chỉ thành công khi đem lại một giá trị nhất định cho người đọc, chính là “cảm thấy có ích” sau khi xem bài viết.

Để làm được điều này, bạn phải suy nghĩ thật kỹ về những điều mình sẽ viết. Sau đó, biến những ý tưởng trong đầu thành một bài viết có ích. Đó có thể là một bài hướng dẫn, một thông tin hữu dụng, hay thậm chí là một bài báo chất lượng.

Làm sao bắt đầu một bài viết cho người mới

Đầu tiên bạn cần phải đọc nhiều, nhiều hơn nữa. Khi bạn đọc đủ nhiều thì tư duy ngôn ngữ bạn sẽ nâng lên một tầm cao mới. Bạn sẽ đỡ vất vả hơn khi diễn đạt điều mình muốn nói.

Khi bắt đầu viết báo, tôi tìm mua sách giáo khoa tiếng Việt, từ lớp 4 đến lớp 12. Tôi đã dành nhiều ngày liền để đọc thật chậm hết toàn bộ số sách này. Đây là một trong những quyết định đúng đắn nhất của tôi. Hành động này đã giúp tôi có nền tảng xây dựng câu từ tốt hơn. Tôi nghĩ, nếu bạn là người mới bắt đầu hành trình viết, bạn có thể thử cách này.

Công thức 5W1H

Nằm lòng công thức “5W1H”. 5W1H tương thích với 6 câu hỏi: What (cái gì); When (thời gian); Where (địa chỉ); Who (ai); Why (tại sao) và How (như thế nào).

Phương pháp này đã được kiểm chứng qua thời gian và nó thực sự hữu hiệu. Nếu không biết bắt đầu một bài viết như thế nào, bạn hãy thử trả lời lần lượt các câu hỏi trên và kết nối chúng lại với nhau. Thế là bạn đã có một nội dung hoàn chỉnh, đủ ý. Việc còn lại là bạn “chơi chữ” như thế nào để nội dung này thu hút người đọc thôi.

Viết điều đặn

Thực vậy, viết là một hành trình rất cô đơn và buồn tẻ. Bạn phải ngồi một mình, lặng yên và viết liên tục, không ngừng nghỉ.

Còn nhớ, có một thời gian tôi bận rộn việc gia đình nên không còn nhiều thời gian để viết. Sau hơn một tháng ngưng viết, tôi đã phải mất cả ngày loay hoay với con chữ để hoàn thành một bài báo mà đáng lẽ chỉ cần khoảng 45 phút. Viết đều đặn cũng giống như bạn tập một thói quen cho chính mình. Nếu ngưng thói quen trong một khoảng thời gian dài thì có thể bạn sẽ mất nó mãi mãi.

Luôn đọc lại bài viết

Tôi có thể hiểu được cảm giác mệt mỏi của bạn sau khi hoàn thành một bài viết. Nhưng việc đọc lại bài rất quan trọng. Bạn phải đọc lại ít nhất 3 lần để tìm ra lỗi sai của chính mình và hoàn thiện bài một cách ưng ý nhất.

Ngoài ra, bạn cũng cần đọc lại bài sau khi tác phẩm đã “chào đời”. Nghĩa là cần đọc lại bài ngay cả khi bài viết đã xuất bản. Việc đọc lại không chỉ đem đến cảm giác vui mừng về một tác phẩm được xuất bản mà còn giúp bản thân nhìn lại những câu từ chưa vừa ý. Từ đó, bạn sẽ viết tốt hơn cho những lần sau.

Viết lách kiếm tiền từ đâu?

Từ các tờ báo mà bạn cộng tác

Hiện tại, có rất nhiều tờ báo luôn sẵn sàng nhận tin tức cộng tác từ người viết không chuyên, như: Công an, Tuổi trẻ, Thanh niên, Pháp luật, Dân trí, Vnexpress,… Bạn chỉ cần đọc báo và xem bản thân có thể viết các chuyên mục nào để cộng tác.

Từ tổ chức các cuộc thi viết

Dù ở thời điểm nào trong năm cũng có rất nhiều cuộc thi viết được tổ chức. Giá trị giải thưởng từ vài trăm ngàn đến vài trăm triệu đồng, tuỳ quy mô và tính chất cuộc thi. Các cuộc thi đều được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, bạn chỉ cần đăng nhập internet và tìm kiếm. Tôi sẽ chia sẻ một số cuộc thi đang được tổ chức vào thời điểm này mà bạn nào cũng có thể tham gia.

  • Thi viết “Vượt qua Covid” do Báo Thanh niên tổ chức.
  • Thi viết “Nhật ký đối mặt Covid” do Báo Quân đội nhân dân tổ chức.
  • Viết dự thi “Khoảnh khắc Covid” trên Facebook.
  • Thi viết “Chân dung cuộc sống” do Tạp chí Nhà văn và cuộc sống tổ chức.
  • Viết kịch bản tiểu phẩm mua bán người do Đại sứ quán Anh tổ chức.

Và rất nhiều cuộc thi khác được phát động công khai trên các trang webside mà bạn dễ dàng tìm đọc. Đặc biệt, đối với những cuộc thi do các tờ báo tổ chức, bên cạnh chờ cơ hội nhận thưởng, bạn còn có thể nhận nhuận bút ngay sau khi được đăng bài.

Từ các công ty, doanh nghiệp thông qua việc hợp tác viết content sản phẩm, dịch vụ của công ty, doanh nghiệp đó.

Từ hợp đồng quảng cáo, PR sản phẩm qua các kênh (webside, facebook, instagram, tiktok,…) của riêng bạn.

Từ các đơn vị đối tác khi bạn xây dựng kênh blog đủ mạnh. Bạn sẽ được trả tiền mỗi bài đăng tải trên blog của bạn.

Lợi ích của một người viết lách kiếm tiền

Để bạn có một cái nhìn khái quát hơn, tôi sẽ liệt kê một vài lợi ích mà các bạn có thể nhận được khi tham gia hành trình của một người viết:

  • Kiếm tiền từ viết lách.
  • Tăng khả năng tư duy ngôn ngữ.
  • Thêm nhiều mối quan hệ, mở rộng cơ hội công việc cho tương lai.
  • Xây dựng phong cách cá nhân qua từng bài viết.

Thông qua chia sẻ này, tôi hy vọng đem đến cho bạn – những người viết không chuyên có một góc nhìn thú vị hơn từ nghề viết. Cám ơn bạn đã đọc bài viết!

Trung Oanh

Vui lòng đọc kỹ bản quyền bài viết trước khi sao chép nội dung bài viết này.

Thông tin về tác giả.

 

About The Author

Scroll to Top