Gia Lai là tỉnh có diện tích lớn thứ hai tại Việt Nam và lớn nhất khu vực Tây Nguyên. Nguồn gốc tên gọi này bắt nguồn từ chữ Jarai. Đây là tên gọi của một dân tộc thiểu số trong tỉnh.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, năm 2020, chỉ số năng lực cạnh tranh của Gia Lai đứng thứ 38 toàn quốc và thứ 3 khu vực Tây Nguyên.
Hiện tỉnh đang triển khai xây dựng Pleiku thành “Cao nguyên xanh vì sức khoẻ”. Tạo nên một Pleiku độc đáo với dấu ấn và thương hiệu riêng biệt. Qua đó thúc đẩy thành phố phát triển theo hướng xanh, bền vững, đậm đà bản sắc.
Mời bạn đọc cùng blog duongtrungoanh tìm hiểu về tỉnh thành dưới bài viết này nhé!
Mục lục: |
Gia Lai giáp các tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Đắk Lắk, Kon Tum và có đường biên giới dài khoảng 90km giáp tỉnh Ratanakiri (Campuchia).
Tỉnh nằm trên một phần của nền đá cổ rộng lớn, dày trên 4.000 m, gần cuối phía nam của khối núi Trường Sơn Nam. Địa hình Gia Lai có thể chia thành 3 dạng chính: đồi núi, cao nguyên và thung lũng. Trong đó, cao nguyên có dạng địa hình đồi núi, chiếm 2/3 diện tích tự nhiên toàn tỉnh.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 9,7%. Trong đó nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng 4,98%; công nghiệp – xây dựng tặng 24,53%; dịch vụ tăng 2,68%; thuế sản phẩm tăng 3,88%.
Trong thời gian qua, tỉnh đã chuyển đổi nhiều loại cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp tình hình biến đổi khí hậu.
Chăn nuôi gia súc, gia cầm của tỉnh đang phát triển theo hướng trang trại, đưa ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vảo sản xuất.
Gia Lai có tiềm năng về thuỷ điện rất lớn. Hiện tỉnh có 4 công trình thuỷ điện lớn, công suất lắp máy 1.422 MW và khoảng 85 công trình thuỷ điện nhỏ với công suất 80.200 kW. Công nghiệp điện năng được coi là công nghiệp mũi nhọn ở tỉnh này. 4 công trình thuỷ điện lớn gồm: Yali, Kanak-An Khê, Sêsan 3 và Sêsan 4.
Đến tháng 6-2021, toàn tỉnh hiện có 3.248 hệ thống điện mặt trời mái nhà, với vốn đầu tư khoản 7.800 tỷ đồng.
Gia Lai có khu công nghiệp Trà Đa và khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh thu hút nhiều dự án đầu tư. Ngoài ra, khu công nghiệp Nam Pleiku đang được nhà đầu tư tập trung triển khai xây dựng kết cầu hạ tầng.
Nếu có ý định đầu tư bất động sản, mời bạn tham khảo bài viết: Đầu tư NHÀ ĐẤT GIA LAI – nên biết điều gì? |
Hiện tại, tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã công nhận “Phở khô Gia Lai” lọt vào Top 100 món ăn đặc sản Việt Nam và “Mật ong rừng Gia Lai” lọt vào Top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam.
Tính đến tháng 6-2021, tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu đạt 97,49%, với diện tích 1.054.348 ha và 832.563 giấy. Trong đó, cấp giấy cho tổ chức đạt 99,9%, đất hộ gia đình, cá nhân đạt 93,95%.
Với tiềm năng sẵn có được thiên nhiên ưu đãi, Gia Lai có tiềm năng du lịch rất phong phú, đa dạng. Nhiều cảnh quang núi rừng hùng vĩ thu hút hàng lượng lớn khách du lịch mỗi năm.
Một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất tỉnh là Biển Hồ – mệnh danh là đôi mắt Pleiku. Đây là một trong những thắng cảnh nổi tiếng được nhiều người biết đến.
Tỉnh còn có hệ thống ghềnh thác, suối, hồ,… trong các khu rừng nguyên sinh thu hút rất nhiều phượt thủ tìm đến. Những khu vực có địa hình cao, nhiều núi đồi như: cổng trời Man Yang, đỉnh Hàm Rồng, núi lửa Chư Đăng Ya,… khiến nhiều du khách say đắm. Bên cạnh cảnh quan tự nhiên thì những cảnh quan nhân tạo như: rừng cao su, đồi chè, đồi cà phê,… tạo nên vẻ đẹp hiện đại, trong lành.
Ngoài ra, với lịch sử lâu đời, tỉnh còn là nơi sinh sống của khoảng 38 đồng bào dân tộc. Mỗi dân tộc có kiến trúc, văn hoá khác nhau tạo nên một Gia Lai đậm đà bản sắc, gây nhiều ấn tượng đến du khách.
Gia Lai có mạng lưới giao thông đường bộ thông suốt với chiều dài 12.183 km. Gồm 6 tuyến quốc lộ, 10 tuyến tỉnh lộ, đường đô thị, huyện, xã,… Các tuyến quốc lộ này đều đã được nâng cấp, kết nối.
Trong giai đoạn 2020 – 2025, tỉnh sẽ nâng cấp, mở rộng mới khoảng trên 400 km quốc lộ, tỉnh lộ. Thời gian tới, tỉnh còn phối hợp với Kon Tum, Bình Định kiến nghị Trung ương đầu tư tuyến cao tốc Quy Nhơn – Pleiku trong giai đoạn 2021 – 2025.
Tỉnh còn có Cảng hàng không Pleiku nằm ở phường Thống Nhất. Mỗi ngày, sân bay phục vụ khoảng 22 chuyến bay đi và đến các tỉnh thành: Hà Nội, Hồ Chí Minh và Hải Phòng.
Đất đai Gia Lai được chia làm 27 loại đất với 7 nhóm chính: đất phù sa, đất xám, đất đen, đất đỏ, đất mùn vàng đỏ và đất xói mòn trơ sỏi đá.
Gia Lai thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, dồi dào về độ ẩm và có lượng mưa lớn. Khí hậu được chia làm 2 mùa rõ rệt: Mùa mưa kéo dài từ tháng 5 và kết thúc vào tháng 10; Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau.
Khí hậu và thổ nhưỡng tỉnh này thích hợp cho việc phát triển các loại cây công nghiệp ngắn ngày và dài ngày, chăn nuôi và kinh doanh tổng hợp nông lâm nghiệp.
Hiện tỉnh có khoảng 38 dân tộc cùng sinh sống và 10 tôn giáo được công nhận. Trong đó, người Kinh sinh sống nhiều nhất và tập trung chủ yếu ở thành phố Pleiku. Kế đến là người Jarai, người Ba Na, người Tày, người Nùng, người Mường, người Thái, người Dao,…
Tính riêng khu Tây Nguyên, Gia Lai đứng thứ 2 về dân số.
Gia Lai có 17 đơn vị hành chính cấp huyện (1 thành phố, 2 thị xã và 14 huyện) và 220 đơn vị hành chính cấp xã (24 phường, 14 thị trấn và 182 xã).
Gia Lai hiện có 5 bệnh viện lớn, gồm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai; Bệnh viện Quân y 211 (Bình đoàn Tây Nguyên); Bệnh viện Quân y 15 (Binh đoàn 15); Bệnh viện Đại học Y Dược – Hoàng Anh Gia Lai; Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai. Ngoài ra, tỉnh còn có nhiều trung tâm y tế dự phòng và hàng trăm trạm y tế cấp phường, xã, thị trấn.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, Gia Lai ghi nhận 29 ca dương tính với SARS-CoV-2. Riêng trong đợt dịch thứ 4, tỉnh ghi nhận 4 ca bệnh.
Gia Lai hiện có khoảng 530 trường học phổ thông. Trong đó, gồm: 41 trường THPT; 229 trường THCS, 260 trường tiểu học và 236 trường mẫu giáo.
Gia Lai từng là địa bàn sinh sống lâu đời của các dân tộc Jarai, Ba Na, Chăm hroi. Khi thực dân Pháp đặt ách đô hộ lên Tây Nguyên, các giáo sĩ người Pháp bắt đầu truyền đạo ở khu vực cư trú của người Ba Na và tạo nên sự chia rẽ đồng bào dân tộc trong khu vực. Trong thời điểm cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, Pháp đã từng bước thiết lập bộ máy cai trị tại đây.
Sau nhiều lần chia cắt, sáp nhập, ngày 24-5-1932, tỉnh Pleiku được thành lập theo Nghị định Toàn quyền Đông Dương. Thị xã Pleiku cũng được thành lập trước Cách mạng tháng 8 năm 1945.
Sau năm 1945, chính quyền cách mạng gọi đây là tỉnh Gia Lai.
Nhưng đến tháng 6-1946, Pháp chiếm vùng đất này và tự gọi đây là tỉnh Pleiku. Sau năm 1975 thì tỉnh Pleiku đổi tên thành tỉnh Gia Lai.
Ngày 20-9-1975, nước ta hợp nhất hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum thành tỉnh mới mang tên Gia Lai – Kon Tum.
Ngày 12-8-1991, tỉnh Gia Lai – Kon Tum tách ra thành hai tỉnh riêng biệt: Gia Lai và Kon Tum.
Để kịp thời nắm rõ các tin tức về vùng đất “Cao nguyên xanh vì sức khoẻ” này, bạn có thể tìm đọc tại Cổng thông tin điện tử tỉnh Gia Lai tại đây!.
Đây là những thông tin về Gia Lai mà blog duongtrungoanh đã tìm hiểu và ghi nhận lại. Hy vọng nhận được sự đóng góp thêm của bạn đọc.
Mọi câu hỏi hay đóng góp mời bạn đọc bình luận dưới bài viết, tôi sẽ trả lời trong thời gian sớm nhất.
Cám ơn bạn đã đọc bài viết.
TRUNG OANH
Vui lòng đọc kỹ bản quyền trước khi sao chép nội dung bài viết này.
Thông tin về tác giả.