Hơn 10 năm theo nghề viết. 6 năm làm phóng viên cho một tờ báo lớn tại TPHCM. Nghề viết đã đồng hành cùng tôi trong những năm tháng thanh xuân tươi đẹp và để lại nhiều kỷ niệm quý giá không gì đánh đổi được.
Viết là một hành trình đầy cô đơn, cần nhiều nỗ lực và sự kiên trì bền bĩ. Thành quả từ nghề viết cũng sẽ đem lại cho bạn nhiều trải nghiệm của các cung bậc cảm xúc khác nhau. Giúp bạn nhận ra thế giới này một cách chân thực, rõ ràng hơn.
Nếu bạn là người yêu ngôn từ và muốn dấn thân vào nghề viết nhưng lại chưa biết bắt đầu từ đâu. Bài viết này là dành cho bạn.
Nội dung chính của bài viết:
- Nghề viết là gì?
- Nhìn nhận đúng về nghề viết
- Bắt đầu nghề viết như thế nào?
- Ưu và nhược điểm của nghề viết
- Tổng kết
1. Nghề viết là gì?
Bản thân “nghề viết” đã phản ánh chính nó một cách rất chuẩn xác. Đây là nghề yêu cầu bạn phải viết. Công việc chính của bạn là “ghép” từng câu chữ thành một bài viết có giá trị.
Đây là một nghề có từ thời xa xưa. Chính những kiến thức lịch sử truyền từ đời này sang đời khác mà chúng ta tiếp cận được do những người ghi chép lịch sử để lại.
Ngày nay, nghề viết được đa dạng hoá dưới nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó, phổ biến gồm:
+ Nhà văn, nhà thơ:
Là người viết cho các chuyên mục văn, thơ ở các tạp chí, báo đài. Nhà thơ, nhà văn còn có thể xuất bản thơ, sách cho riêng mình. Thước đo thành công của nhà văn, nhà thơ phụ thuộc nhiều vào số lượng sách xuất bản được bán ra trên thị trường.
Nếu là một người viết có tầm ảnh hưởng, bạn sẽ được mời đi diễn thuyết hoặc làm đại diện hình ảnh cho các thương hiệu. Điều này sẽ giúp người viết có nguồn thu nhập “khủng” hơn cả việc viết thơ, viết sách.
+ Nhà báo, phóng viên:
Là người làm việc tại các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước. Ngày nay, có nhiều loại hình báo chí để người viết lựa chọn. Cụ thể, gồm: báo in, báo hình, báo nói và báo điện tử. Mỗi loại hình báo chí đều có những ưu thế riêng.
Là một nhà báo, phóng viên thì thu nhập phụ thuộc vào chất lượng và số lượng bài viết. Ngoài ra, là cây bút nổi tiếng, bạn còn được mời đi giảng dạy hoặc chia sẻ kiến thức tại các diễn đàn lớn. Điều này giúp bạn xây dựng thương hiệu cá nhân và tăng thu nhập một cách đáng kể.

+ Người viết nội dung:
Đây là một nghề khá hot và được nhiều bạn trẻ săn lùng trong thời gian gần đây. Nội dung các bài viết có thể đa dạng từ vài trăm đến vài ngàn chữ. Thu nhập từ viết nội dung phụ thuộc vào trình độ, khả năng và mạng lưới khách hàng của chính người viết.
Ngày nay, nhiều cây bút đã thành công với nghề viết nội dung dưới nền tảng blog, webside và mạng xã hội. Đồng hành cùng sự phát triển của công nghệ, người viết nội dung sẽ có nhiều cơ hội tiến thân hơn nữa. Dự báo đây sẽ là một ngành nghề được “săn đón” nồng nhiệt trong tương lai.
+ Blogger:
Trong thập kỷ qua, nhiều blogger đã chứng minh khả năng cũng như tầm ảnh hưởng trong từng bài viết giá trị. Bên cạnh sự nổi tiếng, những thông tin giá trị mà blogger chia sẻ cũng được người đọc nhiệt tình đón nhận.
Thu nhập của blogger phụ thuộc vào sự đánh giá của người đọc qua các bài viết. Là một cây viết giỏi, bạn hoàn toàn dễ dàng có được thu nhập “khủng”. Nhưng nếu không mang đến giá trị cho người đọc, bạn sẽ dễ dàng bị “lãng quên”.
Ngày nay, nên cạnh viết bài chia sẻ nội dung, blogger còn có thể làm tiếp thị liên kết hoặc tự bán sản phẩm để tăng thu nhập.

+ Viết quảng cáo, sản phẩm:
Đây là ngành nghề đòi hỏi chất lượng trong từng câu chữ. Bạn không cần phải viết qúa nhiều nhưng phải tạo được ấn tượng cho người đọc về một sản phẩm cụ thể. Từ đó, thuyết phục khách hàng mua sản phẩm của bạn.
Nếu làm tốt, bạn có thể còn trở thành một người tiếp thị giỏi. Và dĩ nhiên, thu nhập ngành này mang lại cũng sẽ tỷ lệ thuận với sản phẩm quảng cáo bạn làm ra.
Ngày nay, khách hàng rất thông minh và dễ dàng nhận ra một bài viết quảng cáo. Chính vì vậy, thông tin bạn đưa ra phải chính xác, minh bạch, rõ ràng thì mới có thể “sống lâu” trong nghành này.
+ Một số nghề viết khác:
Bên cạnh những nghề viết trên thì vẫn còn rất nhiều nghề viết khác bạn có thể tham gia.
Trong đó, gồm: Biên kịch (viết kịch bản phim, tiểu phẩm, chương trình truyền hình, hài kịch,…); Nhà phê bình văn học (xem xét và đánh giá sản phẩm văn học của người khác); Viết diễn văn (cho lãnh đạo của các tổ chức hoặc công ty); Viết chuyên mục (du lịch, tài chính, công nghệ,…); Ghi chép tiểu sử;…
Nếu bạn có niềm đam mê và kiên trì với nghề viết, tôi tin chắc rằng bạn sẽ thành công. Dù bạn chọn viết về lĩnh vực gì đi nữa.
2. Nhìn nhận đúng về nghề viết
Ngày nay, việc tiếp cận và tham gia vào nghề viết đã dễ dàng hơn trước. Tuỳ lĩnh vực bạn theo đuổi là gì thì sẽ có những điều kiện cần và đủ để thực hiện.
Nếu là một người mới, bắt đầu từ số 0 tròn chỉnh thì bạn cần trang bị kiến thức cơ bản để hành nghề.
Nghề viết cần bằng cấp gì?
Mặc dù, để bắt đầu và trở thành cây viết tốt không yêu cầu bạn phải có bất kỳ bằng cấp hay chứng chỉ cụ thể gì. Tuy nhiên, nếu chọn nghề viết là sự nghiệp lâu dài thì bạn cần trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng nhất định.
Nhiều báo, đài và các công ty, doanh nghiệp khi tuyển dụng một người viết thường yêu cầu bạn tốt nghiệp Đại học hoặc Cao đẳng ở các lĩnh vực như: báo chí, truyền thông, ngôn ngữ.
Bên cạnh đó, các đơn vị tuyển dụng người viết chuyên ngành thường yêu cầu bạn đáp ứng chứng chỉ liên quan chuyên ngành đó. Ví dụ: tài chính, ngân hàng, pháp luật, công nghệ, thể thao, xe,…
Phải liên tục “làm mới” bản thân
Thực tế, để bắt đầu nghề viết bạn chỉ cần có kiến thức cơ bản và lòng kiên trì là đủ. Tuy nhiên, để đi đường dài trên sự nghiệp này đòi hỏi bạn phải liên tục “nâng cấp” bản thân lên một phiên bản tốt hơn.
Bản phải liên tục nâng cao từ kiến thức đến kỹ năng để đáp ứng yêu cầu ngày càng khó của độc giả. Bên cạnh việc làm chủ thông tin, bạn còn phải thường xuyên cập nhật, vận dụng nền tảng công nghệ công nghệ.
Điều này sẽ giúp bạn “có mặt” ở nhiều diễn đàn, từ thực tế cuộc sống đến mạng internet. Đây chính là điểm mấu chốt để mọi tầng lớn độc giả luôn nhớ đến bạn.
Nghề viết trong tương lai như thế nào?
Nghề viết đã có từ xa xưa và sẽ tiếp tục tồn tại theo sự phát triển của xã hội. Bởi lẽ, nhu cầu tiếp cận thông tin là nhu cầu thiết yếu trong mỗi thời đại. Và thông tin chính là nền tảng kiến thức để mỗi người làm chủ vận mệnh của mình.
Chính vì vậy, nghề viết sẽ luôn song hành cùng sự phát triển của xã hội. Ngày nay, cùng với tiến bộ của khoa học kỹ thuật, biết cách xây dựng và đưa thông tin giá trị đến bạn đọc sẽ trở thành người nắm quyền lực nhất định.
Trong tương lai, nghề viết sẽ được đa dạng hoá từ nội dung đến hình thức. Biết cách xây dựng thông tin thiết thực, thu hút người đọc, bạn hoàn toàn có thể thành công rực rỡ với nghề viết.
Những năm gần đây, không ít người đã tự tin “khởi nghiệp” với nghề viết tự do. Nhiều cây bút trẻ tham gia vào nghề viết với các lĩnh vực như: viết nội dung cho các trang mạng xã hội (tiktok, youtube, facebook,…), viết bài đánh giá sản phẩm cho các công ty, cửa hàng, viết blog,… mang lại thu nhập đáng kể. Điều này cũng chứng minh được sự phát triển bền vững của nghề viết trong tương lai.

3. Bắt đầu nghề viết như thế nào?
Viết, viết và viết
Thực tế, bạn không cần dùng từ ngữ quá hoành tráng hoặc câu văn có vẻ như “rất gì và này nọ”. Điều này sẽ khiến bạn xa cách với người đọc hơn.
Một bài viết thu hút người đọc là bài viết gần gũi, dễ hiểu. Bạn chỉ cần miêu tả sự vật, hiện tượng đúng bản chất của vấn đề. Vận dụng từ ngữ một cách ngắn gọn, đơn giản để càng nhiều bạn đọc hiểu bài viết càng tốt.
Điều này không quá khó khăn, bạn hoàn toàn có thể tự tập luyện. Nghề viết cũng như bất cứ ngành nghề khác trong xã hội. Chỉ cần bạn luyện tập thường xuyên và đều đặn thì “quả ngọt” sẽ đến.
Tuy nhiên, khác với nhiều ngành nghề khác, viết đòi hỏi sự kiên trì bền bỉ và lòng quyết tâm cao độ để không nản chí.
Bởi vì, khi là một người mới, bạn sẽ rất vất vả để cho ra đời một bài viết. Tuy nhiên, khi bạn trở thành một “cây bút” chất lượng thì nghề viết sẽ mang lại cho bạn nhiều lợi ích đáng giá mà không một ngành nghề nào so sánh được.
Sử dụng bí quyết “5W1H”
Đây là bí kíp “vàng” mà tất cả những người viết đều phải nằm lòng. Để một bài viết có nội dung đầy đủ, rõ ràng thì bạn phải trả lời được 5 câu hỏi “5W1H” này.
- When: Thời gian
- Where: Địa điểm
- Who: Ai
- What: Cái gì
- Why: Tại sai
- How: Như thế nào
Khi trả lời được những câu hỏi này thì bạn cũng đã xây dựng bản đồ tương đối hoàn chỉnh cho bài viết của mình. Từ đó, bạn có thể vận dụng từ ngữ và cách hành văn để bài viết trở nên thu hút người đọc hơn.

Khả năng khai thác đề tài
Viết là công việc chủ động. Yêu cầu của nghề đòi hỏi bạn phải luôn tự tìm cách khai thác đề tài. Nếu là phóng viên, nhà báo nắm mảng thời sự ở các cơ quan thông tấn báo chí bạn cần phải chủ động nắm bắt tin tức “nóng” để đưa đến bạn đọc.
Nếu là một người viết tự do đòi hỏi bạn phải luôn xây dựng nội dung chất lượng, tìm đề tài để thu hút người đọc.
Ngày nay, bạn có thể tận dụng các nền tảng mạng xã hội để khai đề tài phù hợp với nhu cầu của độc giả. Ngoài ra, bạn có thể khai thác đề tài “ngách” từ thông tin báo đài để phát triển thành bài viết có giá trị đến người đọc.
4. Ưu và nhược điểm của nghề viết
Ưu điểm:
+ Là nghề được xã hội coi trọng.
Trong tiềm thức con người thì thì đây là nghề của tri thức, của trí tuệ.
+ Không bao giờ lỗi thời.
Bởi lẽ, thời đại nào cũng con người cũng có nhu cầu tiếp cận thông tin. Từ việc đọc báo, xem thời sự, nghe radio hay lướt internet,… đều cần thông tin từ nghề viết.
+ Được đi nhiều nơi, tiếp cận nhiều người.
Đây thực sự là một sự “ưu đãi” của nghề viết mà khó có ngành nghề nào so sánh được. Qua đó sẽ giúp bạn có một sự trải nghiệm về cuộc đời một cách phong phú, đa chiều hơn.
+ Phát triển song hành với công nghệ thông tin.
Chỉ cần tận dụng nền tảng của công nghệ, người viết hoàn toàn có thể “tự làm chủ” và xây dựng thương hiệu cho chính bản thân.

Nhược điểm:
+ Mức lương xuất phát khá thấp.
So với nhiều ngành nghề khác thì lợi nhuận từ nghề viết ban đầu sẽ không cao. Bởi lẽ, chất lượng của bài viết phụ thuộc nhiều vào khả năng, kinh nghiệm của người viết.
+ Nhiều áp lực.
Thực tế, viết là một hành trình đầy cô đơn và áp lực. Khi nhận dự án, bạn phải luôn chạy đua với thời gian. Khi một ý tưởng “loé sáng” bạn phải làm việc liên tục để cho ra đời một tác phẩm. Chính vì vậy, nghề viết đòi hỏi ở bạn sự kiên trì bền bỉ. Nếu không bạn sẽ rất dễ bỏ cuộc.
5. Tổng kết
Nếu đã đọc đến đây, tôi tin rằng “ngọn lửa” của nghề viết đang bắt đầu “bùng cháy” trong bạn rồi.
Để đạt được thành tựu trong nghề viết, đều bạn cần làm bây giờ là: ngồi xuống và bắt đầu viết. Bạn hãy nghĩ đến lý do mà mình mong muốn để trở thành một người viết. Đó có thể là một công việc kiếm sống, một ước mong được khám phá thế giới. Hay bạn muốn chứng tỏ khả năng của mình cho cả thế giới biết. Dù bất cứ lý do gì, nếu bạn thật sự đủ quyết tâm, nhất định bạn sẽ làm được.
Ban đầu có thể sẽ rất khó khăn, bạn không biết sắp xếp câu chữ thế nào để có một bài viết hoàn chỉnh. Không sao cả, bạn à. Hãy cứ viết những điều đã trải qua trong cuộc sống mà bạn muốn chia sẻ với mọi người.
Bất cứ khi nào bạn cảm thấy mệt mỏi đến mức muốn bỏ cuộc thì hãy nghĩ đến lý do vì sao bạn bắt đầu. Bạn hãy nhớ lại những niềm vui từ viết lách mang lại. Lúc này, bạn đã có thể mỉm cười, và viết tiếp.
Cám ơn bạn đã đọc bài viết. Chúc bạn sẽ gặt hái được thành công trên hành trình của một người viết kiếm sống.
TRUNG OANH
Vui lòng đọc kỹ bản quyền trước khi sao chép nội dung bài viết này.
Thông tin về tác giả.