Lấp Vò là một huyện phía Nam của tỉnh Đồng Tháp. Với lịch sử phát triển lâu đời, địa bàn huyện có nhiều điểm gắn với truyền thống văn hoá để du khách tham quan, nghiên cứu.
Nếu bạn đang có ý định tìm hiểu về Lấp Vò cũng như các điểm tham quan, món ăn ngon thì mời bạn đọc bài viết dưới đây.
Mục lục: |

1. Toàn cảnh chung về Lấp Vò
Lấp Vò là một huyện thuộc tỉnh Đồng Tháp. Huyện Lấp Vò cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 180km đường bộ, khoảng 200 km đường thuỷ. Huyện có diện tích hơn 244 km2, mật độ dân số khoảng 739 người/km2.
Lấp Vò nằm phía nam của tỉnh Đồng Tháp. Huyện có hai tuyến giao thông huyết mạch là Quốc lộ 80 và Quốc lộ 54. Lấp Vò nằm giữa 2 cây cầu lớn ở đồng bằng sông Cửu Long là cầu Cao Lãnh (nối với thành phố Cao Lãnh) và cầu Vàm Cống (nối với thành phố Cần Thơ).
Bên cạnh giao thông đường bộ, huyện cũng có lợi thế về giao thông đường thuỷ. Ngoài tuyến sông Tiền (phía Bắc) và sông Hậu (phía Nam), kênh xáng Lấp Vò chạy dọc suốt chiều dài của huyện. Vì vậy, người dân có đầy đủ nước tưới tiêu, phục vụ đời sống sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.
Nông nghiệp của huyện của huyện chủ yếu sản xuất lúa gạo và hoa màu.
Hiên nay, huyện đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng điện nước, thông tin liên lạc khá hoàn chỉnh.
Huyện hiện có 13 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc. Gồm thị trấn Lấp Vò và 12 xã: Bình Thành, Bình Thạnh Trung, Định An, Định Yên, Hội An Đông, Long Hưng A, Long Hưng B, Mỹ An Hưng A, Mỹ An Hưng B, Tân Khánh Trung, Tân Mỹ, Vĩnh Thạnh.

2. Nguồn gốc tên gọi Lấp Vò
Theo người xưa kể lại, khi Nguyễn Ánh chiến đấu với quân Tây Sơn đã từng dẫn quân đến nơi đây – Lấp Vò ngày nay. Khi đoàn quân đến đâu thì để lại dấu chân đến đó nên rất dễ bị kẻ địch theo dấu, truy đuổi.
Vào một đêm, Nguyễn Ánh đã khấn xin lấp dấu chân của đoàn quân để kẻ địch không phát hiện. Ngay sáng hôm sau thì trời đổ mưa to, toàn bộ dấu chân của đoàn quân cũng bị xoá sạch.
Từ sau đó, dân gian gọi nơi đây là Lấp Vò, nói trại theo từ lấp giò (lấp dấu chân).
3. Đi đâu, ăn gì tại Lấp Vò?
Nếu bạn chưa từng đến Lấp Vò, mời bạn cùng tìm hiểu danh sách địa điểm tham quan và ăn uống tại đây nhé.
3.1 Những điểm đến hấp dẫn tại Lấp Vò
Khu du lịch văn hoá Phương Nam
Khu du lịch văn hoá Phương Nam toạ lạc tại xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò.
Khu du lịch xây theo phong cách kiến trúc nhà rường Việt Nam, mang đậm dấu ấn triều Nguyễn, có cải tiến theo cung cách xây dựng nhà của Nam Bộ. Với quần thể kiến trúc rộng khoảng 17 ha, doanh nhân Đặng Phước Thành đã đầu tư khu du lịch với tổng kinh phí trên 600 triệu.
Khu du lịch có 05 hạng mục chính: Nam phương Linh từ; Đặng tộc Nam phương Linh từ; Nhà bảo tàng họ Đặng; Nhà bảo tàng Nam bộ; Dãy trường lang bao quanh.
Năm 2018, nơi đây được Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp chọn là nơi tổ chức Tuần lễ Văn hoá – Du lịch cấp tỉnh.
Làng chiếu Định Yên | chợ “ma” Lấp Vò
“Định Yên có vựa chiếu to
Lấy chồng xứ Định khỏi lo chiếu nằm”.
Đó là câu ca dao nổi tiếng được lan truyền về một ngôi chợ nằm bên bờ sông Hậu (xã Định Yên, huyện Lấp Vò).
Làng chiếu Định Yên (còn gọi chợ ma) – Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Khi xưa, ngôi chợ chỉ họp lúc nửa khuya về sáng và bán duy nhất một mặt hàng. Vì vậy, dân gian vẫn lưu truyền đến tận ngày nay bằng tên gọi “chợ ma”. Tuy nhiên, theo thời gian, “chợ ma” chỉ còn trong ký ức của những người dân nơi đây.
Ngày nay, vẫn còn rất ít người dệt chiếu theo kiểu truyền thống. Đa phần người dân đã dần chuyển sang dệt máy để phù hợp kinh tế thị trường. Bao đời qua, nghề dệt chiếu đã nuôi sống hàng ngàn người con xứ Định trưởng thành, khôn lớn.
Khi chạy ngang Quốc lộ 54, du khách có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp đầy màu sắc của những sợi chiếu được người dân phơi ven đường. Ngoài ra, du khách cũng có thể ghé tham quan cách làm chiếu của người dân nơi đây.
Cầu Cao Lãnh
Là cầu dây văng bắc qua sông Tiền, nối liền thành phố Cao Lãnh và huyện Lấp Vò. Cầu có chiều dài 2.015m, rộng 24,5m cho bốn làn xe cơ giới và hai làn xe thô sơ. Chiều cao trụ tháp bê tông cao 123m và nhịp chính dài 350m.
Hai trụ tháp chữ H của cầu tượng trưng cho sự kết nối giữa hai nước Việt Nam và Úc khi xây cầu. Vận tốc cho phép lưu thông trên cầu 80km/h.
Cầu được khởi công xây dựng từ ngày 19/10/2013 và thông xe từ ngày 27/05/2018. Đây là một trong hai cây cầu trọng điểm nằm trong dự án giao thông kết nối trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long.
Khi mặt trời vừa tắt bóng, người dân xung quanh thường chạy bộ dọc theo chiều dài của cầu để tập thể thao và tận hưởng gió mát, cảnh quan khu vực.
Cầu Cao Lãnh là một địa điểm đáng chiêm ngưỡng cho mọi người khi ghé ngang Đồng Tháp.
Cầu Vàm Cống
Là cầu dây văng bắc qua sông Hậu, nối liền thành phố Cần Thơ và tỉnh Đồng Tháp. Cầu có chiều dài 2.97km, với kinh phí đầu tư lên đến 5.700 tỷ.
Đây cũng là câu dây văng thứ hai bắc qua sông Hậu sau cầu Cần Thơ. Là cầu dây văng có nhịp chính dài và lớn thứ hai, chỉ sau cầu Cần Thơ.
Ngày 10/9/2013, cầu được khởi công xây dựng trong buổi lễ khởi công tại huyện Lấp Vò. Ngày 19/5/2019, cầu được chính thức khánh thành đưa vào hoạt động.
Khu du lịch sinh thái Thiên Phú
Khu du lịch sinh thái Thiên Phú nằm tại xã Bình Hàng Trung, huyện Lấp Vò.
Khu du lịch được khai trương vào ngày 31/01/2021.
Đây là điểm đến để du khách trải nghiệm cuộc sống miền Tây, tham quan vườn trái cây và tận hưởng nhiều món ăn địa phương.
Các địa điểm tham quan khác:
Bên cạnh những địa điểm trên, khách tham quan còn có thể ghé thăm nhiều địa điểm khác tại Lấp Vò. Điển hình, gồm:
Đình Tân An Trung – di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh, trải nghiệm sinh thái cồn Ông (xã Tân Khánh Trung);
Khu Di tích đình Tòng Sơn và Đền thờ Phật thầy Tây An – Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh – gắn với ông Đoàn Minh Huyên, người đã ra sức trị bệnh cứu người trong trận đại dịch năm 1849, sáng lập đạo Bửu Sơn Kỳ Hương;
Lăng Tuyên Trung Hầu – một bậc khai quốc công thần triều Nguyễn (xã Mỹ An Hưng A);
Đình thần Định Yên – Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia;…

3.2 Những món ăn ngon tại Lấp Vò
Bún cá
Với giá trung bình khoảng 15 ngàn/tô, bún cá được nhiều bà con bày bán trên địa bàn huyện. Đây là một trong những món không thể bỏ qua khi đến Lấp Vò.
Mùi cá lóc, bún, bông điên điển, rau sống, nghệ,… hoà quyện vào nhau tạo nên một tô bún cá hoàn chính. Bún cá thường ăn kèm nước chấm là mắm me, tạo ra một hương vị khó quên cho món ăn này.
Thông thường, vào các buổi sáng sớm và chiều muộn, rất nhiều người đến chợ Lấp Vò (Quốc lộ 80) để thưởng thức món này.
Cá lóc đồng nướng cuốn lá sen non
Đồng Tháp là vùng đất của sen hồng. Vì vậy, nhắc món ăn của Đồng Tháp thì không thể thiếu sen. Sen được dùng để làm sữa, làm trà, làm rượu và nhiều món ăn khác.
Lá sen non còn được người dân dùng ăn kém với cá lóc nướng. Mùi thơm, vị bùi và hơi nhẫn (đắng nhẹ) của lá sen non được ăn cùng cá lóc nướng và nước chấm tạo nên hương vị đặc biệt.
Đây thực sự là món ăn không thể bỏ qua khi đến Đồng Tháp.
Ngoài những món trên thì khi đến Lấp Vò, bạn nên thưởng thức thêm các món như: lẩu cá linh nhúng bông điển điển, chuột đồng nướng, ốc bươu nướng tiêu xanh, canh chua bông súng, cháo cá rau đắng,…
TRUNG OANH