Từ bình an đến hạnh phúc nhờ lối sống chánh niệm
Sống cho từng khoảnh khắc của hiện tại, ngay bây giờ và ở đây để bạn có thể nhìn nhận những gì đang diễn ra theo đúng bản chất của nó. Đây cũng chính là “chìa khoá” mang lại sự bình an từ trong tâm, dẫn đường đến hạnh phúc theo lối sống chánh niệm từ trải nghiệm chính bản thân tôi.
Nếu bạn muốn tìm hiểu về lối sống chánh niệm cũng như những lợi ích lối sống này mang lại, mời bạn cùng đọc bài viết.
Mục lục bài viết:
- Chánh niệm là gì?
- Con đường đưa tôi đến chánh niệm.
- Lợi ích từ sống chánh niệm.
- Tác hại của việc lạm dụng chánh niệm.
- Cách thực hành lối sống chánh niệm
/1/
Chánh niệm là gì?
Chánh niệm (hay còn gọi chính niệm) là sự tỉnh giác, biết rõ những gì đang diễn ra trong mỗi phút giây của hiện tại, ngay bây giờ và ở đây. Khi tôi thở, tôi biết rằng tôi đang thở. Khi tôi ăn, tôi biết mình đang ăn. Đó chính là chánh niệm.
Nhờ lối sống chánh niệm giúp bản thân nhận biết những gì diễn ra, để sống trọn vẹn trong từng khoảnh khắc.
Trong Phật giáo Nguyên Thuỷ, chánh niệm là trái tim của thiền tập, là cốt tuỷ của đạo Phật. Vì vậy, điều tiên quyết của một tu sĩ là phải thực tập cho mình có chánh niệm, dựa trên nền tảng của Tứ niệm xứ.
Trong khuôn khổ bài viết, tôi chỉ đề cập đến lối sống chánh niệm ở khía cạnh của cuộc sống mà bản thân đã áp dụng để đạt được sự cân bằng, giúp tâm bình an và hạnh phúc hơn. Đây là những chia sẻ mà bản thân tôi đã trải qua, hy vọng đem đến một cái nhìn chân thực, toàn diện đến với bạn về lối sống tuyệt vời này.
/2/
Con đường đưa tôi đến lối sống chánh niệm
Để bạn có một cái nhìn tổng quát hơn, tôi muốn chia sẻ câu chuyện của bản thân trên hành trình từ bình an đến hạnh phúc nhờ lối sống chánh niệm để tìm thấy niềm vui trong cuộc sống. Tôi nghĩ, đây không chỉ là câu chuyện của riêng tôi mà nhiều bạn trẻ cũng đang gặp phải trên con đường tìm kiếm giá trị sống của chính mình. Hy vọng câu chuyện của tôi sẽ giúp ích với bạn.
Từ người của công việc
Những người từng tiếp xúc với tôi đều biết rằng, tôi là người của công việc. Một ngày đêm có 24 giờ nhưng tôi không bao giờ thấy đủ, tôi luôn quay cuồng từ công việc đến học hành. Sau nhiều năm bươn chải, tôi đã có một sống khá tươm tất, đủ đầy. Thế nhưng tôi luôn có cảm giác mình sẽ bị tuột lại phía sau nếu không thực sự cố gắng, cố gắng hơn nữa, làm việc, làm việc nhiều hơn nữa. Và thế là tôi lại quay cuồng trong bộn bề công việc.
Cuộc sống cứ thế trôi qua, mỗi ngày của tôi bắt đầu từ lúc tờ mờ sáng đến khi đồng hồ quá nửa đêm. Lúc không có công việc thì tôi đã quá mệt mỏi và chỉ muốn buông bỏ mọi chuyện để ngủ một giấc thật dài, không còn thời gian để tận hưởng cuộc sống. Thời điểm đó, tôi đã tự nhủ rằng, bận rộn chính là niềm vui duy nhất nên tôi không cần bất cứ lý do gì để chọn thêm cho mình một sở thích khác.
Dù vậy, tôi chưa bao giờ cảm giác mình đang sống. Tôi chưa bao giờ tận hưởng bất cứ công việc nào tôi đang làm. Khi nấu ăn, tôi luôn nghe thời sự (hoặc xem phim, nghe sách nói) hoặc chen vào một công việc nào khác. Tôi luôn ăn cơm trước màn hình máy tính để tranh thủ đọc thêm tin tức. Vì vậy, tôi thường xuyên bỏ ngang bữa ăn nếu thấy một ý tưởng loé lên trong đầu để ngồi xuống bàn làm việc. Tôi luôn tự hào rằng mình có thể làm nhiều việc cùng lúc nhưng thật sự tôi chưa bao giờ “có mặt” tại bất cứ công việc nào.
Đến gục ngã trong tâm
Và cũng đến một ngày, tôi gục ngã thật sự. Tôi bế tắt khi nhìn xung quanh không còn niềm vui. Một ngày như thường lệ, tôi bước ra đường, hoà vào dòng xe vội vã, con đường đi làm 10 năm không đổi nhưng tôi thấy mình lạc lối. Nơi tôi làm việc nằm ở trung tâm thành phố, cạnh một công viên lớn.
Tôi không muốn đến chỗ làm nên đã dừng lại ở công viên. Tôi bất ngờ khi nghe tiếng chim hót líu lo giữa những tán lá và nhìn thấy những chú sóc đang bò quanh thân cây. Đưa mắt nhìn quanh tôi thấy vài cô chú lớn tuổi đang tập thể thao. Nhìn những chiếc lá úa vàng rụng đầy công viên khiến tâm hồn tôi như trôi lạc vào một thế giới khác, trống rỗng và mơ hồ. Bỗng nhiên tiếng cười giòn tan của bọn trẻ đang chơi trò đuổi bắt khiến tôi giật mình, tỉnh táo, quay về hiện tại.
Tôi nhận ra mình chưa bao giờ thật sự sống, có chăng chỉ là tồn tại một cách tất bật giữa cuộc đời này. Thậm chí, mẹ tôi từng nhiều lần nói vui rằng: “gọi điện cho con còn khó hơn gặp Tổng thống” (dù hai mẹ con tôi chưa từng gặp tổng thống bao giờ ^^). Chính vì vậy, những cuộc điện thoại của hai mẹ con hiếm khi kéo dài quá 5 phút. Tôi luôn khoác trên mình một chiếc áo bận rộn khiến cả những người thân yêu e ngại trò chuyện cùng. Vậy mà suốt một thời gian dài tôi chẳng nhận ra điều này.
Nhìn lại chính mình
Ngay ngày hôm đó, tôi đã xin nghỉ phép để ở nhà. Tôi pha một tách cafe, ra ban công ngắm nhìn bầu trời và suy nghĩ những chuyện đã qua. Tôi đã từng bận rộn, trò chuyện với nhiều người nhưng chẳng có niềm vui cho riêng bản thân.
Nếu lỡ một mai tôi chết đi thì sao? Thì thế giới vẫn vậy, chỉ là thiếu đi một người lao động thôi. Nghĩ đến đây, tôi thoáng nghe tim mình nhói đau bất chợt buồn trong giây lát. Nếu vậy, tôi cần phải sống hết mình cho hiện tại, cho phút giây này, để mỗi ngày trôi qua đều không lãng phí.
Nghĩ về sở thích của mình, tôi ra đường sách tìm chọn cho mình vài quyển ưng ý. Liên tục hơn một tháng, tôi đã dành thời gian vào mỗi buổi tối để đọc sách. Tôi tìm đọc những quyển từ “dễ” đến “khó”. Từ những câu chuyện thực tế của nhà văn Vãn Tình, Cách Tỷ, đến những câu chuyện của Hạ Chi, Hamlet Trương. Sau đó, tôi lại tìm đọc loạt sách của Thầy Thích Nhất Hạnh, Osho, Nguyên Phong,…
Tìm đến lối sống chánh niệm
Rồi vô tình tôi tìm đến sách về thiền, tâm linh, đạo lý,… Lúc đầu, tôi đọc vì thấy mới mẻ, về sau càng đọc càng bị cuốn vào “thế giới nội tâm” để trò chuyện với chính bản thân. Thời gian đầu tôi cảm thấy nghi hoặc vô cùng, nhưng khi vỗ về “đứa bé trong tôi” thành công thì mọi gánh nặng dường như được trút bớt.
Chính vì vậy, tôi đã thử tập ngồi thiền. Lúc đầu, tôi chỉ nghĩ đơn giản là ngồi yên một lúc thì có gì khó. Nhưng tin tôi đi, nếu bạn chưa tập thiền bao giờ, việc ngồi yên thở đều trong 15 phút cũng là một thử thách dễ từ bỏ lắm đấy. Chỉ cần ngồi yên, quan sát từng hơi thở vào ra, cảm nhận từng cảm giác trên thân thể trong 5 phút cũng đủ đem đến cho bạn một tinh thần vô cùng sảng khoái. Đây là một việc làm rất đơn giản, không tiêu tốn nhiều thời gian và sức lực nhưng lại mang đến hiệu quả tuyệt vời, rất đáng để bạn thử.
Trong hành trình tập và đọc sách về thiền, tôi lại biết đến chánh niệm. Thời gian đầu, tôi chỉ áp dụng chánh niệm khi ngồi thiền. Sau đó, tôi áp dụng chánh niệm vào cuộc sống hàng ngày của mình. Khi làm bất cứ việc gì tôi sẽ chú tâm vào việc đó, tôi tận hưởng từng khoảnh khắc mà mình sống. Và tôi yêu đời hơn. Thực tập chánh niệm một thời gian tôi nhận ra tâm mình bình an và hạnh phúc hơn.
Biết ơn về những lợi ích tuyệt vời từ chánh niệm mang đến, tôi muốn chia sẻ với mọi người về lối sống này. Hy vọng bạn đọc sẽ tìm thấy sự đồng cảm trong từng câu chữ, để chúng mình có thể cùng ngồi xuống và trò chuyện với nhau.
Thực hành lối sống chánh niệm giúp tôi đạt được trạng thái cân bằng trong tâm, đưa cuộc sống đi từ bình ạn đến hạnh phúc
/3/
Lợi ích từ sống chánh niệm
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi thực tập chánh niệm bạn sẽ nhìn nhận sự vật, hiện tượng như đúng bản chất của nó. Từ đó bạn có thể ngăn chặn phiền não, cân bằng cảm xúc, cải thiện trí nhớ và đạt được hiệu quả công việc một cách tốt nhất. Đó cũng chính là cách mà tôi đã làm để chữa lành “đứa bé trong tôi”, để tâm luôn bình an trong cuộc sống.
Ngăn đau khổ phát sinh
Khi thực tập lối sống chánh niệm, bạn có thể nhìn rõ ràng sự vật và hiện tượng như đúng bản chất của nó. Bạn sẽ thấu hiểu được cuộc đời vốn dĩ vô thường, mọi thứ đến rồi đi theo quy luật nhân duyên quả. Hiểu rõ điều này, bạn sẽ ngăn chặn được phiền não phát sinh. Hoặc khi có phiền não phát sinh, bạn cũng có thể dùng chánh niệm để ngăn chặn chúng “tấn công” sâu vào tâm thức. Bạn sẽ có đủ nội lực để đẩy lùi được tham ái, sân hận, si mê và ngu muội.
Điều này thể hiện rõ ở việc bạn đột ngột mất đi thứ quý giá trong cuộc đời. Đó có thể là cái chết của người thân, công việc đang làm, tài sản giá trị,… Khi gặp phải những biến cố lớn, nếu không có chánh niệm bạn sẽ rất khó khăn để vượt qua. Thậm chí, nếu nội lực không đủ mạnh, bạn còn có thể bị những đau khổ đó nhấn chìm. Từ đó khiến cuộc đời luôn tràn ngập buồn khổ, si mê, sân hận.
Những trường hợp thường thấy nhất trong cuộc sống mà nhiều người phải trải qua là việc mất đi ba mẹ, người thân yêu. Cảm giác thông thường xuất hiện là đau khổ, bi thương. Thậm chí, nếu bạn không chấp nhận được việc mình mất đi người thân sẽ khiến tâm trí lâm vào tình cảnh uất hận, cả đời sống trong đau khổ, nhớ nhung. Thực tế, điều bạn cần làm là, khi người thân yêu vẫn còn sống, bạn nên đối xử với họ bằng cả chân tình trong từng phút giây hiện tại, ngay tại đây và bây giờ. Để khi người thân mất đi bạn không hối hận vì chưa kịp báo hiếu.
Khi thực tập lối sống chánh niệm, bạn đã tận hưởng trọn vẹn thời điểm của hiện tại, của những hạnh phúc từng tồn tại. Biết chánh niệm, bạn hiểu được cuộc đời vô thường, không có gì tồn tại mãi mãi. Nên khi mất đi thứ quý giá trong cuộc đời, bạn có thể dễ dàng chấp nhận, và tiếp tục sống tốt phần đời của mình. Đó cũng là cách để bạn tri ân những điều tuyệt vời mà mình nhận được, từ ba mẹ, người thân, bạn bè đến công việc, xã hội này.
Nhận sự an lạc từ trong tâm
Thực tế khi bạn ngăn phiền não phát sinh thì bạn đã nhận được sự an lạc rồi. Hoặc khi phiền não phát sinh bạn có thể chế ngự được nó, ngăn nó lan rộng và dần đẩy nó ra khỏi tâm. Lúc này bạn thực sự không còn vướng mắc, nhìn đời một cách tích cực và đẹp hơn.
Thực hành lối sống chánh niệm giúp bạn nhận thấy niềm vui nhỏ nhất trong cuộc sống, ngay bây giờ và ở đây. Đó có thể là thức giấc trên một chiếc giường ấm, bạn biết mình may mắn biết bao. Đó có thể là ăn một bữa đủ chất, bạn biết mình đang tận hưởng hương vị tuyệt vời của từng loại thực phẩm. Hoặc đó chỉ là những bước chân trên đường, bạn nhận biết mình đang đi, nhận biết gió thổi qua da thịt.
Khi đạt được sự an lạc từ trong tâm thì bạn dễ dàng chấp nhận thực tại để hạnh phúc hơn. Bạn sẽ tận hưởng những gì đang có trong những phút giây này, không đau khổ quá khứ, không vướng mắc tương lại. Thấu hiểu mọi thứ đến rồi sẽ đi, bản thân chỉ cần chấp nhận, cố gắng hết sức cho từng khoảnh khắc của hiện tại, là đủ.
Thực hành lối sống chánh niệm giúp bạn ngăn đau khổ phát sinh và nhận được sự an lạc từ trong tâm.
Lợi ích chánh niệm dưới góc nhìn tâm lý
Theo nhiều nghiên cứu, những người thực tập chánh niệm có khả năng ghi nhớ cao và đạt năng suất làm việc tốt hơn. Hiệu quả này đến từ việc tập trung, chú ý có chọn lọc vào hiện tại. Khi hiểu và áp dụng chánh niệm vào công việc, nhóm người này sẽ toàn tâm toàn ý vào việc mình đang làm. Vì vậy sẽ giúp năng suất làm việc tăng cao hơn. Đây cũng là lẽ tất nhiên của cuộc sống.
Khi đưa chánh niệm vào quá trình tâm lý trị liệu, các nhà nghiên cứu còn phát hiện những hiệu quả đáng kinh ngạc, giúp người bệnh giảm căng thẳng và ngăn trầm cảm tái phát. Bởi khi chánh niệm, bạn có thể tự quan sát cảm xúc và quá trình tinh thần của chính mình, cảm nhận chúng như những sự kiện thoáng qua.
Lúc này, bạn sẽ tách rời những đau khổ đã qua để quan sát, nhìn nhận chứ không bị cảm giác vướng mắc kéo vào. Điều này giúp bạn dần buông bỏ đau khổ, phiền não, tổn thương trong quá khứ. Ngoài ra, khi thực tập chánh niệm còn giúp bạn tăng cao khả năng tập trung, có giấc ngủ tốt hơn và hỗ trợ cải thiện một số bệnh lý mãn tính như: tiểu đường, cao huyết áp, đau mãn tính,…
Bên cạnh đó, để nhận được lợi ích từ lối sống chánh niệm nhiều hơn, bạn cũng có thể thử phương pháp thiền chánh niệm.
Đây là bài tập rèn luyện tinh thần bằng cách tập trung tâm trí vào các yếu tố như cảm xúc, cảm giác và suy nghĩ ở thời điểm hiện tại. Nếu quá khứ hiện về, bạn có thể biến mình thành “khán giả” để nhìn mọi thứ lướt qua mà không phán xét, không đánh giá.
Từ đó, giúp bạn soi xét lại chính bản thân mình và hành động có ý thức để cuộc sống hiện tại có mục đích rõ ràng hơn trong từng khoảnh khắc. Để hiểu hơn, bạn có thể tìm đọc thêm các bài viết khác tôi về thiền chánh niệm.
/4/
Tác hại của việc lạm dụng chánh niệm
Theo quan điểm cá nhân tôi, nếu bạn là một người bình thường muốn sống trọn vẹn ở giây phút hiện tại thì có thể xem việc luyện tập lối sống chánh niệm như một môn thể thao. Thực tế, việc gì cũng thường có ít nhất hai mặt của vấn đề, chánh niệm cũng vậy. Nếu bạn luyện tập chánh niệm với mức độ phù hợp thì sẽ mang lại những hiệu quả tuyệt vời cho thân và tâm. Tuy nhiên, nếu bạn lạm dụng chánh niệm quá mức sẽ có những “tác dụng phụ” nhất định.
Điển hình, nếu gặp những khó khăn, thử thác trong cuộc sống, bạn lại chọn cách rút lui vào trong thay vì giải quyết vấn đề. Điều này sẽ khiến bạn thành người nhu nhược, không có khả năng làm chủ được chính mình. Đây cũng không phải là cốt lõi của chánh niệm. Lúc này, điều bạn cần là giải quyết vấn đề. Và có thể mượn chánh niệm để trợ lực cho bạn nhìn thấy rõ bản chất của sự vật, hiện tượng để tiến hành xử lý công việc một cách tối ưu nhất.
Ngoài ra, nếu dành thời gian quan sát tâm mình quá nhiều sẽ dễ khiến bạn thiếu sự trải nghiệm thực tế bên ngoài. Từ đó, dễ sinh ra tư tưởng bảo thủ, cố chấp, không nhìn đúng bản chất vấn đề. Đồng thời, một số nghiên cứu cũng cho rằng, nếu chánh niệm một cách mù quáng có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm thần. Điều nảy có thể dẫn đến các triệu chứng tâm thần tiềm tàng như ảo giác, tri giác sai thực tế, giải thể nhân cách,… rất nguy hiểm.
Lạm dụng lối sống chánh niệm thái quá có thể khiến bạn thành người nhu nhược, luôn chọn cách trốn tránh trước những vấn đề khó khăn của cuộc sống. Ngoài ra, bạn quan sát tâm mình quá nhiều sẽ khiến bạn thiếu sự trải nghiệm thực tế bên ngoài.
/5/
Cách thực hành lối sống chánh niệm
Bản chất của chánh niệm là tận hưởng phút giây hiện tại, ngay bây giờ và ở đây. Vì vậy, chánh niệm không có gì là quá xa xôi, khó thực hành mà bất cứ ai cũng có thể đưa lối sống chánh niệm vào cuộc sống hàng ngày.
Buông bỏ áp lực
Thực tế, tôi biết rất nhiều người từng rất áp lực khi hàng ngày đã phải lao động vất vả bên ngoài rồi về nhà lại thấy hàng tá việc “không tên” làm mãi chẳng hết. Không làm thì phải ở trong một căn nhà bừa bộn không chịu nổi. Nếu làm thì vô cùng mệt mỏi, căng thẳng và chán nản.
Tôi cũng từng là “nạn nhân” của những áp lực đó. Thậm chí, tôi đã giải quyết bằng cách cố giấu đi bớt đồ đạt, không sắm sửa các vật dụng trong nhà để tránh phải dọn đẹp. Tuy nhiên, về lâu dài, tôi lại cảm thấy mình chỉ là đang “khách ở tạm” ngay trong nhà chứ không thực sự sống trong mái ấm của mình. Căn nhà chẳng còn ấm áp, chẳng đủ bao dung cho tâm hồn của chính mình. Tất cả còn lại chỉ là sự trống rỗng, không cảm xúc.
Từ những việc đơn giản
Biết đến chánh niệm, tôi bắt đầu đưa chánh niệm vào chính cuộc sống thường nhật của mình. Khi dọn dẹp nhà nhà, tôi chăm chú quan sát từng vật dụng mà mình sở hữu. Tôi hài lòng khi lau dọn cẩn thận và ghi nhớ từng món đồ cần đặt ở vị trí nào. Điều mà trước đây tôi phải khổ sở tìm đồ đạt vì chẳng nhớ nổi mình đã từng cất nó ở đâu khi dọn đẹp.
Bỗng nhiên tôi nhận ra từng món đồ cũng có “linh hồn”. Phải chăng tôi đã quá vô tâm với chính những điều thân thuộc nên khi cần thì chúng cũng sẵn sàng phủ phàng với tôi. Giờ đây, tôi chẳng cần phải giấu đồ đạt nhưng vẫn có sự cân bằng trong chính tổ ấm của mình.
Tôi cũng từng không thích nấu ăn. Nấu ăn từng chiếm quá nhiều thời gian và công sức của tôi. Trong khi thời gian là có hạn, tôi cần dùng nó cho việc kiếm tiền. Vì vậy tôi cũng đã từng dọn dẹp hết dụng cụ bếp núc để chuyển sang ăn hàng quán cho tiện dụng. Khi ăn tôi cũng luôn vội vàng, hấp tấp như “lính chờ chiến đấu”. Có lẽ chính vì điều này đã khiến tôi thường xuyên cảm thấy đầy hơi, khó tiêu sau mỗi bữa ăn.
Ngay khi đưa chánh niệm vào việc nấu nướng, tôi đã có thể tận hưởng cảm giác “sáng tác” từng món ăn. Sau mỗi thành quả, tôi lại vui mừng khi thưởng thức đồ ăn do mình nấu. Tôi ăn chậm rãi, cảm nhận hương vị thực phẩm tan chảy trong khi nhai. Tôi vui vẻ và ăn ngon hơn. Điều lạ lùng là tôi cũng không mất quá nhiều thời gian, công sức cho việc nấu nướng. Chỉ đơn là, tôi tận hưởng chúng. Tuyệt vời làm sao.
Nhìn nhận việc đã qua
Dưới áp lực của cuộc sống, tôi tin rằng nhiều người thường xuyên bị công việc cuốn đi trong vô thức. Đã từng có thời điểm, tình trạng “zombie công sở” bùng phát trên báo chí và nhận sự chia sẻ của nhiều người. “Zombie công sở” phản ánh những người đi làm… cho có, chứ không ý muốn nỗ lực thực hiện công việc được giao.
Theo các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, “zomebie công sở” đang có xu hướng gia tăng và trẻ hoá. Tình trạng này không chỉ khiến bản thân “zombie” không có cơ hội tiến thân mà còn khiến chính công sở chịu tổn thất nặng nề. Đây cũng là vấn đề mà lĩnh vực nhân sự luôn đau đầu khi phải đối mặt với việc tuyển dụng.
Bản thân tôi cũng từng có thời điểm rất chán ngán công việc. Nhất là khoảng thời gian dài cảm thấy mọi nỗ lực của mình không được ghi nhận. Tuy nhiên, thay vì tìm cách cải thiện, tôi lại dần mất hứng thú và đam mê với công việc mà bản thân từng “đòi sống đòi chết” để được làm. Theo khảo sát của tôi, nhiều bạn trẻ bây giờ cũng đang vướng mắc phải tình trạng này.
Đưa chánh niệm vào công việc
Để tự kéo mình lên “vũng lầy chết chóc” của sự chán chường, mệt mỏi, u uất, tôi đã tìm cách thực hành lối sống chánh niệm vào chính công việc của mình. Tôi chịu khó quan sát, lắng nghe những gì mình làm tốt, và chưa tốt. Từ đó, tôi cố gắng chú tâm vào từng phần việc của mình để làm một cách tối ưu nhất.
Cụ thể, khi tôi chú tâm vào việc viết lách, tôi đã tận hưởng được niềm vui trong quá trình viết, ngay trước khi cả bài được xuất bản. Tôi cảm thấy hài lòng với bản thân hơn, mọi sự mệt nhọc, chán chường khi trước cũng dần tan biến để nhường chỗ cho sự tìm tòi, học hỏi, khám phá những điều mới mẻ.
Khả năng làm việc của tôi đồng thời cũng tăng cao và được mọi người công nhận nhiều hơn. Sự thật là có những lúc tôi vẫn làm chưa tốt và bị bác bỏ. Thế nhưng thay vì buồn phiền thì tôi lại nhanh chóng lấy lại cảm giác tự tin, và tìm cách làm tốt hơn cho lần sau.
Chính vì vậy, tôi luôn có thể tạo cho mình nhiều năng lượng trong từng khoảnh khắc của công việc. Điều này giúp tôi cân bằng được cuộc sống, để bản thân đi trên con đường từ bình an đến hạnh phúc nhờ lối sống chánh niệm một cách dễ dàng hơn.
Bài viết dựa trên quan điểm cá nhân của tác giả dựa trên quá trình thực hành lối sống chánh niệm. Hy vọng nội dung bài viết có thể chia sẻ với bạn những điều tuyệt vời từ lối sống này mang lại.
Trung Oanh
Vui lòng đọc kỹ bản quyền bài viết trước khi sao chép nội dung bài viết này.
Thông tin về tác giả.