đất trồng cây lâu năm | dương trungg oanh

Đất trồng cây lâu năm được xếp vào nhóm đất nông nghiệp. Đây là loại đất chiếm diện tích phổ biến, phân bổ khắp các tỉnh thành trên cả nước. Chính vì vậy, việc mua bán đầu tư trên đất trồng cây lâu năm diễn ra sôi nổi, thường xuyên.

Nếu bạn đang có ý định mua bán đất trồng cây lâu năm thì nên tìm hiểu thật kỹ về pháp lý và thị trường để tránh “tiền mất, tật mang”. Đồng thời, nắm rõ mục đích sử dụng và thủ tục pháp lý có thể giúp bạn tối ưu hoá việc đầu tư sinh lợi trên mảnh đất.

Bài viết sẽ phân tích toàn diện các vấn đề liên quan đến đất trồng cây lâu năm. Từ đó có thể giúp bạn đọc nắm rõ pháp lý cũng như kiến thức về loại hình đầu tư này.

đất trồng cây lâu năm

Nội dung chính của bài viết:

  1. Đất trồng cây lâu năm là gì?
  1. Thời hạn sử dụng và thủ tục gia hạn đất trồng cây lâu năm.
  1. Hạn mức sử dụng đất trồng cây lâu năm và phí đền bù khi thu hồi đất
  1. Có xây nhà trên đất trồng cây lâu năm được không?
  1. Thủ tục chuyển đất trồng cây lâu năm sang đất ở
  1. Có nên đầu tư trên đất trồng cây lâu năm?

Căn cứ pháp lý bài viết:

đất trồng cây lâu năm là gì

1. Đất trồng cây lâu năm là gì?

Đất trồng cây lâu năm là đất sử dụng vào mục đích trồng các loại cây được trồng một lần, sinh trưởng và cho thu hoạch trong nhiều năm. Đất trồng cây lâu năm được quy định rõ tại Thông tư liên tịch số 22/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 30/6/2016.

1.1 Phân loại đất trồng cây lâu năm

Gồm 3 nhóm chính:

+ Đất trồng cây công nghiệp lâu năm như: cà phê, chè, ca cao, cao su,…

+ Đất trồng cây ăn quả lâu năm như: bưởi, cam, xoài, nhãn, sầu riêng, bơ,…

+ Đất trồng cây dược liệu lâu năm như: linh lăng, sâm, quế, hồi,…

+ Đất trồng cây gỗ lâu năm như: keo, bạch đàn, xà cừ, sao,…

Mục đích sử dụng đất:

Theo khoản 2 Điều 13 Luật Đất đai 2013, Nhà nước sẽ quyết định mục địch sử dụng đất. Căn cứ theo mục địch sử dụng đất, đất đai được phân loại thành 3 nhóm chính. Cụ thể, gồm: Nhóm đất nông nghiệp; Nhóm đất phi nông nghiệp; Nhóm đất chưa sử dụng gồm các loại đất chưa xác định mục đích sử dụng (Điều 10 Luật Đất đai 2013).

Theo đó, căn cứ điểm b khoản 1 Điều 10, đất trồng cây lâu năm được xếp vào nhóm đất nông nghiệp.

Thực tế, việc phân loại đất trồng cây lâu năm với các loại đất khác để người sở hữu có căn cứ để sử dụng đúng mục đích. Mục đích sử dụng đất được ghi cụ thể trong trang 2 của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (còn gọi sổ đỏ).

1.2 Phân biệt đất trồng cây lâu năm với các loại đất khác

Nắm vững kiến thức phân biệt đất trồng cây lâu năm với các loại đất khác là điều hết sức cần thiết. Bởi lẽ, Nhà nước quyết định mục đích sử dụng đất. Với mỗi loại đất sẽ có mục đích sử dụng tương ứng.

Nếu chủ đất sử dụng sai mục đích thì sẽ dễ dẫn đến nhiều hậu quả pháp lý. Trường hợp nhẹ thì bị phạt tiền sử dụng đất, buộc phục hồi hiện trạng đất ban đầu. Trường hợp nặng có thể bị thu hồi lại đất.

Như tôi đã nói ở trên, trong 3 nhóm đất cơ bản (gồm: đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng) thì đất trồng cây lâu năm thuộc nhóm đất nông nghiệp. Trong nhóm đất nông nghiệp, gồm các loại đất sau:

+ Đất trồng cây hàng năm (gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác);

+ Đất trồng cây lâu năm;

+ Đất rừng sản xuất;

+ Đất rừng phòng hộ;

+ Đất rừng đặc dụng;

+ Đất nuôi trồng thuỷ sản;

+ Đất làm muối;

+ Đất nông nghiệp khác (gồm đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt; đất xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác; đất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm; đất ươm tạo cây giống, con giống và đất trồng hoa, cây cảnh).

mầm cây
Đất trồng cây lâu năm là đất sử dụng vào mục đích trồng các loại cây được trồng một lần, sinh trưởng và cho thu hoạch trong nhiều năm

2. Thời hạn sử dụng đất trồng cây lâu năm

Theo quy định pháp luật, thời hạn giao đất, thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhận là không quá 50 năm. Điều này chứng tỏ đất trồng cây lâu năm cũng có thời hạn sử dụng. Thời hạn này được ghi cụ thể tại trang 2 của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

2.1 Hết hạn sử dụng đất thì có bị thu hồi không?

Tuỳ từng trường hợp cụ thể mà Nhà nước sẽ quyết định thu hồi hay để người sử dụng tiếp tục sử dụng khi hết hạn. Cụ thể, căn cứ từ Điều 61 đến Điều 65 Luật Đất đai năm 2013.

Những trường hợp bắt buộc thu hồi khi hết hạn

+ Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh;

+ Thu hồi vì mục đích phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng;

+ Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai (đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liên tục);

+ Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe doạ tính mạng con người.

Trường hợp không bắt buộc thu hồi khi hết hạn

+ Nếu người sử dụng đất có nhu cầu sử dụng tiếp thì Nhà nước sẽ xem xét tiếp tục cho thuê đất;

+ Trường hợp người sử dụng đất không có nhu cầu sử dụng tiếp thì đất sẽ bị thu hồi.

Như vậy, nếu không nằm trong những trường hợp bắt buộc thu hồi thì khi hết thời hạn sử dụng đất, Nhà nước sẽ căn cứ vào nhu cầu, nguyện vọng của người sử dụng đất để xem xét.

2.1 Hết hạn sử dụng đất thì có cần gia hạn không?

Vì đất trồng cây lâu năm là đất sử dụng có thời hạn, chính vì vậy, khi hết hạn sử dụng đất thì người sử dụng cần làm thủ tục gia hạn. Tuy nhiên, để giảm áp lực pháp lý cho người dân, Nhà nước chia làm 2 trường hợp: cần gia hạn và tự động gia hạn.

Trường hợp cần gia hạn

+ Tổ chức sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối;

+ Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ, làm cơ sở sản xuất phi nông nghiệp;

+ Tổ chức để thực hiện các dự án đầu tư;

+ Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện các dự án đầu tư tại Việt Nam.

Căn cứ Điều 126 Luật Đất đai năm 2013.

Trường hợp không cần gia hạn

Căn cứ khoản 2, Điều 74 Nghị định 43/2014/NĐ-CP thì hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp đang sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao, công nhận, nhận chuyển quyền sử dụng đất, khi hết hạn sử dụng đất thì được tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn tại khoản 1 Điều 126 và khoản 3 Điều 210 Luật Đất đai 2013 thì không phải làm thủ tục điều chỉnh thời hạn sử dụng đất.

Như vậy, trong trường hợp hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp nếu có nhu cầu thì được tiếp tục sử dụng mà không cần gia hạn. Tuy nhiên, người sử dụng đất cần phải làm thủ tục xác nhận lại thời hạn sử dụng trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

2.3 Thủ tục gia hạn đất trồng cây lâu năm

Trường hợp cần gia hạn

Căn cứ Điều 74 Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn về thủ tục gia hạn thời gian sử dụng đất.

Chuẩn bị hồ sơ gia hạn đất trồng cây lâu năm như sau:

+ Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất;

+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Sau khi đầy đủ hồ sơ người sử dụng nộp đến bộ phận Một cửa (hoặc Văn phòng đăng ký đất đai cấp xã) để đề nghị xác nhận lại thời hạn sử dụng đất.

Nếu hồ sơ không hợp lệ sẽ yêu cầu người sử dụng đất bổ sung hồ sơ đến khi đầy đủ.

Người gia hạn thời gian sử dụng đất sẽ phải đóng lệ phí gia hạn.

Theo quy định pháp luật thì toàn bộ thời gian gia hạn sẽ được tiến hành không quá 15 ngày.

Lưu ý: Người sử dụng đất phải làm thủ tục gia hạn trước khi đất trồng câu lâu năm hết hạn tối thiểu 6 tháng.

Trường hợp không cần gia hạn

Đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp thì không cần gia hạn khi hết hạn sử dụng. Tuy nhiên, nguồi sử dụng có nhu cầu xác nhận lại thời hạn đất trên Giấy chứng nhận thì cần thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại khoản 3 Điều 74 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.

Cụ thể, người sử dụng đất chỉ cần nộp hồ sơ đề nghị xác nhận lại thời hạn sử dụng đất tại UBND cấp xã. Sau khi kiểm tra, xác nhận thông tin đúng như yêu cầu thì UBND cấp xã sẽ tiến hành chuyển hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai để làm tiến hành chỉnh lý, cập nhật vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai. Sau đó, trao lại Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất.

Để tìm hiểu cách tính thời hạn sử dụng đất, bạn có thể tìm hiểu thêm tại bài viết này.

đất rừng

3. Hạn mức sử dụng đất trồng cây lâu năm và phí đền bù khi thu hồi đất

Để phát triển kinh tế và xây dựng đời sống xã hội ổn định, lâu dài, Nhà nước quy định hạn mức đất trồng cây lâu năm cho mỗi hộ gia đình, cá nhân.

3.1 Hạn mức sử dụng

Căn cứ vào Điều 129 và Điều 130 Luật Đất đai 2013:

+ Hạn mức giao đất trồng cây lâu năm cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá 10 hecta đối với xã, phường, thị trấn ở đồng bằng; không quá 30 hecta đối với xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi.

+ Trường hợp hộ gia đình, cá nhân được giao nhiều loại đất bao gồm đất trồng cây lâu năm thì hạn mức đất đất trồng cây lâu năm không quá 5 hecta đối với xã, phường, thị trấn ở đồng bằng; không quá 25 hecta đối với xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi.

+ Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất trồng cây lâu năm của hộ gia đình, cá nhân là không quá 100 hecta đối với xã, phường, thị trấn ở đồng bằng; không quá 300 hecta đối với xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi.

3.2 Phí đền bù khi thu hồi đất

Để đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp của công dân, Nhà nước cũng quy định phí đền bù khi hồi đất.

Căn cứ Điều 77 Luật Đất đai 2013

Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất thì được bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất. Cụ thể:

+ Diện tích đất nông nghiệp trong hạn mức được giao đất (không quá 10 hecta đối với xã, phường, thị trấn ở đồng bằng; không quá 30 hecta đối với xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi)

+ Diện tích đất nông nghiệp nhận chuyển quyền sử dụng (không quá 100 hecta đối với xã, phường, thị trấn ở đồng bằng; không quá 300 hecta đối với xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi).

+ Diện tích đất do được nhận thừa kế.

+ Đối với diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức thì không được bồi thường về đất nhưng được bồi thường về chi phí đầu tư vào đất còn lại.

+ Đối với diện tích đất nông nghiệp do nhận chuyển nhượng quyền sử dụng vượt hạn mức trước ngày Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thi hành (1/7/2014) thì việc bồi thường, hỗ trợ được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Lưu ý:

Trường hợp đất nông nghiệp đã sử dụng trước ngày 1/7/2004 mà người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng không có Giấy chứng nhận; hoặc không đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận theo quy định thì sẽ được bồi thường đối với diện tích đất thực tế đang sử dụng.

Tuy nhiên, diện tích bồi thường không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp theo quy định tại Điều 129 Luật Đất đai 2013.

tiền | đầu tư

4. Có xây nhà trên đất trồng cây lâu năm được không?

Như ở trên tôi đã đề cập, đất trồng cây lâu năm là loại đất thuộc nhóm đất nông nghiệp. Mục đích trồng các loại cây xuống giống một lần, sinh trưởng và cho thu hoạch trong nhiều năm. Dựa vào mục đích đã quy định, chủ đất cần sử dụng đúng mục đích để được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp.

4.1 Cần sử dụng đất đúng mục đích

Căn cứ Điều 6 Luật Đất đai 2013 quy định các nguyên tắc sử dụng đất như sau:

+ Đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất;

+ Tiết kiệm, có hiệu quả, bảo vệ môi trường và không làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của người sử dụng đất xung quanh;

+ Người sử dụng đất thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình trong thời hạn sử dụng đất theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Mục đích sử dụng đất do Nhà nước quyết định. Để biết mục đích sử dụng của mảnh đất, bạn có thể xem tại trang 2 của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Như vậy, mục đích sử dụng của đất trồng cây lâu năm là dùng để trồng cây lâu năm. Trường hợp, bạn muốn xây nhà ở thì phải làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Từ đất nông nghiệp sang đất thổ cư.

Lưu ý: Nhà nước không cấm việc xin chuyển mục đích sử dụng đất (Vì việc này là nhu cầu của người dân). Tuy nhiên, không phải lúc nào người sử dụng làm đơn thì đều được chuyển mục đích sử dụng đất. Bởi vì, cơ quan chức năng địa phương cần dựa trên “căn cứ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất” theo quy định và kế hoạch sử dụng đất từng năm. Căn cứ này nhằm hạn chế việc chuyển đổi mục đích vô tội vạ, làm thất thoát tài sản Nhà nước và hoang hoá đất đai.

4.2 Trường hợp ngoại lệ

Trên thực tế, đất trồng cây lâu năm nằm trong nhóm đất nông nghiệp. Mục đích của loại đất này dùng để trồng trọt, chăn nuôi. Chính vì vậy, việc xây nhà phục vụ mục đích ở lâu dài thì không được phép.

Tuy nhiên, nếu bạn xây nhà vườn sinh thái/trang trại/nhà kính (với diện tích phù hợp theo quy định),… phục vụ cho mục đích trồng trọt/chăn nuôi thì không cần chuyển đổi mục đích sử dụng. Tuy nhiên, bạn cần phải nộp hồ sơ đăng ký biến động tại văn phòng đăng ký đất đai.

cây tre | dương trung oanh

5. Thủ tục chuyển đất trồng cây lâu năm sang đất ở

Nếu người dân có nhu cầu xây dựng nhà ở trên đất trồng cây lâu năm thì cần làm đơn xin phép. Sau khi chuyển mục đích sử dụng từ đất trồng cây lâu năm sang đất thổ cư thì người dân mới được phép xây nhà.

5.1 Điều kiện để chuyển đất trồng cây lâu năm sang đất ở

+ Phù hợp quy hoạch quyền sử dụng đất chi tiết;

+ Kế hoạch sử dụng đất chi tiết;

+ Quy hoạch xây dựng đô thị;

+ Quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt;

+ Đáp ứng được diện tích đất ở tối thiểu cho phép tách thửa tại địa phương nơi có đất.

5.2 Chuẩn bị hồ sơ

Căn cứ khoản 1 Điều 6 Thông tư 30/2014/TT-BTNMT, cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất cần phải chuẩn bị hồ sơ gồm:

+ Đơn xin phép chuyển mục đích sử dụng đất;

+  Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở; hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi chung là Sổ đỏ).

5.3 Trình tự thực hiện

+ Nộp hồ sơ tại bộ phận Một cửa; hoặc phòng Tài nguyên và Môi trường cấp quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh nơi có đất.

+ Tiếp nhận hồ sơ.

+ Giải quyết yêu cầu.

Trong thời gian giải quyết yêu cầu, cơ quan thuế sẽ gửi thông báo thực hiện nghĩa vụ tài chính đối (nộp tiền sử dụng đất) với yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất. Sau khi nhận thông báo, bạn cần nộp đủ số tiền trên thông báo theo thời gian quy định.

+ Trả kết quả.

Thời hạn giải quyết yêu cầu không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; Không quá 25 ngày đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn; Không tính vào các ngày nghỉ, lễ, tết, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất.

5.4 Cách tính tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng

Căn cứ khoản 2 Điều 5 Nghị định 45/2014/NĐ-CP quy định:

Khi chuyển từ đất nông nghiệp được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất sang đất ở thì thu tiền sử dụng đất bằng mức chênh lệch giữa tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở với tiền sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp tại thời điểm có quyết định chuyển mục đích.

Lưu ý: Căn cứ Điều 18 Luật Đất đai 2013, Nhà nước quyết định giá đất:

+ Nhà nước quy định nguyên tắc, phương pháp định giá đất;

+ Nhà nước ban hành khung giá đất, bảng giá đất và quyết định giá đất cụ thể.

Từ căn cứ trên, có thể xác định số tiền cần đóng để chuyển mục đích sử dụng đất như sau:

Tiền sử dụng đất = tiền sử dụng theo giá đất ở – tiền sử dụng theo giá đất nông nghiệp.

Ví dụ:

Ông A sở hữu mảnh đất trồng xoài khoảng 1.000 m2. Ông A có nhu cầu chuyển 50m2 đất (trong diện tích 1.000 m2) sang đất thổ cư để xây nhà ở. Được biết, bảng giá đất ở tại vị trí thửa đất của ông A là 1 triệu đồng/m2. Bảng giá đất nông nghiệp là 100.000 đồng/m2.

Vậy số tiền sử dụng đất ông A phải nộp khi chuyển sang đất ở là:

(50×1.000.000)-(50×100.000) = 45 triệu đồng

Theo đó:

+ Tiền sử dụng theo giá đất ở (50m2 đất; 1.000.000 đồng/m2) là: 50×1.000.000 là 50 triệu đồng.

+ Tiền sử dụng theo giá đất nông nghiệp (50m2 đất; 100.000 đồng/m2) là 50×100.000 là 5 triệu đồng.

Vì vậy, số tiền phải nộp là (50-5) 45 triệu đồng.

Từ ví dụ trên ta có thể thấy, số tiền phải nộp khi chuyển sang đất ở phụ thuộc vào bảng giá đất tại địa phương, vào thời điểm chuyển đổi.

Ngoài tiền sử dụng phải nộp, người yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất còn phải nộp thêm các khoản phí sau:

+ Lệ phí trước bạ ( = (giá đất tải bảng giá đất x diện tích) x 5%).

+ Lệ phí thẩm định hồ sơ (tuỳ tỉnh/thành).

+ Lệ phí cấp sổ đỏ (tuỳ thuộc tỉnh/thành).

+ Phí do đạc địa chính; Phí trích lục bản đồ;… (với mức phí không đáng kể).

xây nhà trên đất trồng cây lâu năm

6. Có nên đầu tư trên đất trồng cây lâu năm?

Trong những năm gần đây, lĩnh vực bất động sản có tiềm năng sinh lợi cao nên thu hút nhiều người chuyên và không chuyên tìm đến. Vì vậy, nhu cầu mua đất trồng cây lâu năm không chỉ dành cho những người trực tiếp sản xuất, canh tác mà còn thu hút nhiều nhà đầu tư khác. Tuy nhiên, khoảng cách giữa lợi nhuận và rủi ro với thị trường này cũng khá cao. Nên việc tìm hiểu rõ thị trường, mục đích đầu tư để phân tích những rủi ro là điều rất cần thiết.

6.1 Xác định mục đích mua đất là gì?

Mục đích sản xuất

Ưu điểm của đất trồng cây lâu năm là người sử dụng chỉ gieo trồng một lần và cho thu hoạch nhiều năm. Bên cạnh đó, các loại cây trồng lâu năm thường mang đến năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Cây trồng lâu năm không bị ảnh hưởng lớn bởi thị trường “được mùa, mất giá” như những cây trồng hàng năm. Vì những lẽ đó, nhiều người tìm mua đất trồng cây lâu năm với hy vọng làm giàu.

Khi đã xác định được mục đích đầu tư dùng để sản xuất, người mua cần tìm hiểu kỹ các thông tin như: Giấy tờ pháp lý; Thông tin quy hoạch; Vị trí địa lý; Giá cả thị trường;… để chọn một mảnh đất phù hợp nhất.

Mục đích đầu tư

Thời gian qua, có rất nhiều nhà đầu tư săn tìm các mảnh đất nông nghiệp có vị trí đẹp. Sau đó, họ chờ cơ hội chuyển đổi lên thổ cư và bán giá cao hơn nhiều lần. Nếu mục đích mua đất trồng cây lâu năm để đầu tư thì bạn cần tìm hiểu kỹ.

Ửu điểm của loại hình đầu tư này là khả năng sinh lợi cực kỳ cao. Chính nhờ khả năng sinh lời cao nên rủi ro loại hình đầu tư này cũng lớn hơn nhiều. Bởi lẽ không phải mảnh đất nông nghiệp nào cũng có thể chuyển đổi lên thổ cư. Vì vậy, khi đầu tư đất trồng cây lâu năm bạn cần phải kiểm tra thật kỹ khả năng chuyển đổi thổ cư.

6.2 Khi nào nên mua

+ Khi đất có đầy đủ giấy tờ pháp lý, còn hạn sử dụng.

+ Đất không bị vướng huy hoạch.

+ Giá cả phù hợp so với thị trường.

+ Tìm hiểu mảnh đất có khả năng chuyển đổi lên thổ cư được không (nếu có nhu cầu xây nhà hoặc bán lại với giá cao).

+ Tìm hiểu vị trí địa lý, thổ nhưỡng để giúp việc canh tác đạt hiệu quả cao, ổn định, lâu dài.

Nếu như mảnh đất đảm báo các yêu cầu trên thì bạn có thể cân nhấc để mua. Bởi lẽ, thực tế trong nhiều năm qua chứng minh bất động sản luôn tăng theo từng năm. Nếu bạn quyết định đầu tư vào đất đai sớm không chỉ giúp bạn khai thác lợi nhuận từ mảnh đất mà còn có khả năng sinh lời cao trong tương lai.

Bài viết này sẽ phân tích cụ thể những rủi ro khi mua đất trồng cây lâu năm dành cho bạn.

Thiệt hại tài sản khi mua đất bằng vi bằng

Tóm lại

Bài viết dựa trên căn cứ pháp luật hiện hành và những trường hợp phổ biến trong thời gian qua. Vì vậy, bài viết sẽ có tính chất tham khảo cho những ai không có khả năng và điều kiện để tìm hiểu sâu về quy định pháp luật.

Thực tế, pháp luật về đất đai có nhiều quy định trong từng trường hợp cụ thể. Vì vậy, để đảm bảo sử dụng đúng mục đích và tránh những rủi ro không đáng có, người sử dụng cần tìm hiểu thật kỹ các vấn đề pháp lý liên quan.

Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan, bạn đọc có thể bình luận dưới bài viết này. Tôi sẽ trả lời trong thời gian sớm nhất có thể.

Cám ơn bạn đã đọc bài viết!

TRUNG OANH

Vui lòng đọc kỹ bản quyền trước khi sao chép nội dung bài viết này.

Thông tin về tác giả.

Scroll to Top