Đất trồng cây lâu năm là một trong những loại đất được nhiều nhà đầu tư quan tâm, xuống tiền trong thời gian qua. Bởi lẽ, nếu “nhìn trúng” lô đất tiềm năng thì khả năng sinh lời cao gấp nhiều so với các hạng mục đầu tư khác.
Chính vì sức hút đó, không ít nhà đầu tư bị cuốn vào các cơn sốt đất cục bộ, với quyết tâm lao vào thị trường này để tìm kiếm cơ hội. Tuy nhiên, bên cạnh tiềm năng lợi nhuận thì đất trồng cây lâu năm cũng chứa rất nhiều rủi ro.
Để bảo toàn tài sản trước những “sóng gió” không đáng có, bài viết này sẽ cung cấp đến bạn những rủi ro khi mua đất trồng cây lâu năm trong thời gian qua.
Mục lục: 2. Kinh nghiệm thực tế để hạn chế rủi ro khi mua đất trồng cây lâu năm |
1. Rủi ro đến từ đâu?
Trên thực tế, bất kỳ một thương vụ đầu tư nào cũng tiềm ẩn những rủi ro nhất định. Và những thương vụ lợi nhuận lớn thì độ rủi ro càng cao. Đây là điều rất khó tránh khỏi. Chính vì vậy, một trong những điều đầu tiên cần nghĩ đến trước khi xuống tiền cho bất cứ một thương vụ nào là phải xác định được các rủi ro tiềm ẩn.
Để đầu tư lĩnh vực đất đai, người mua thường phải bỏ ra số tiền khá lớn, chính vì vậy, xác định nguyên nhân rủi ro là việc làm rất cần thiết. Dưới đây là những rủi ro khi mua đất trồng cây lâu năm mà blog đã quan sát, phân tích, đúc kết từ thực tiễn.
1.1 Từ pháp lý
Đây là một trong những yếu tố quan trong nhất khi giao dịch về đất đai. Nếu bạn chưa xác định được tính pháp lý của mảnh đất mình đang nhắm đến thì tốt nhất là không nên đầu tư.
Trên thực tế, đã có nhiều người xuống tiền cọc mua đất nhưng không nắm rõ tính pháp lý của lô đất. Đến khi không làm được Giấy chứng nhận hoặc không tiến hành giao dịch được thì mới tìm hiểu thì có thể đã mất một khoản tiền lớn.
Đối với đất trồng cây lâu năm, nếu không có pháp lý rõ ràng thì người mua sẽ không thế chấp được ngân hàng. Vì vậy, trước khi quyết định đầu tư đất trồng cây lâu năm, người mua cần kiểm tra pháp lý thật kỹ. Cụ thể, cần xem xét các yếu tố sau:
- Đất đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất chưa;
- Đất có đang xảy ra tranh chấp với bên thứ ba nào khác không (chủ cũ, người đồng sở hữu, thế chấp ngân hàng, thế chấp bên thứ ba,…);
- Đất có lối vào không (thực tế, có nhiều thửa đất trồng cây lâu năm phải đi nhờ lối vào từ nhà người khác; hoặc lối vào gặp nhiều khó khăn khác;… đã khiến cho chủ đất gặp nhiều tổn thất khi mua).
1.2 Từ quy hoạch
Những năm qua, không ít người rót vốn vào đất trồng cây lâu năm vì chưa tìm hiểu về quy hoạch. Hoặc người mua không tìm hiểu kỹ về quy hoạch mà đã xuống tiền giao dịch. Sau khi sở hữu đất thì mới biết về tình trạng quy hoạch, dẫn đến nhiều tổn thất.
Nếu đất nằm trong quy hoạch thì thường sẽ không được hoặc hạn chế quyền chuyển nhượng. Lô đất này cũng sẽ sớm bị thu hồi. Nếu người mua có dự định đầu tư trên mảnh đất thì sẽ gặp nhiều rủi ro, thiệt hại.
Để kiểm tra về thông tin quy hoạch, người mua có thể tra cứu trên các trang web của địa phương; hoặc kiểm tra tại bộ phận Một cửa; hoặc văn phòng đăng ký đất đai tại nơi có đất.
Nếu mua với mục đích đầu tư thì cần phải tìm hiểu thật kỹ đất trồng cây lâu năm này có quy hoạch sử dụng đất chi tiết hay kế hoạch sử dụng đất chi tiết chưa. Điều này sẽ tác động đến việc chuyển đổi sang đất thổ cư sau này của thửa đất.
1.3 Từ thị trường
Nắm vững thị trường sẽ giúp bạn xác định được giá trị thực của mảnh đất. Từ đó, không mơ hồ cuốn theo lời đường mật của người khác.
Bởi trong thời gian qua, không ít người mua phải những mảnh đất cao hơn giá trị thực. Đây chính là hệ luỵ của việc không khảo xác trước giá thị trường, tin tuyệt đối với lời người giới thiệu.
Thực tế, một người môi giới nhà đất uy tín, chuyên nghiệp là “cầu nối” an toàn để giúp người mua sở hữu mảnh đất giá trị, tiềm năng. Và nếu bạn không nắm vững cả về pháp lý, lẫn thị trường thì bạn nên tìm một người môi giới nhà đất đáng tin cậy để hỗ trợ.
1.4 Từ người bán
Ngoài việc nắm vững các thông tin liên quan đến thửa đất thì bạn cũng phải biết được thông tin cơ bản về người bán. Bạn không cần phải điều tra chi tiết về nhân thân, các mối quan hệ, công việc làm ăn của người bán. Tuy nhiên, bạn cần phải biết “vừa đủ” các thông tin có liên quan đến việc giao dịch.
Bởi việc này sẽ giúp bạn tránh những rủi ro pháp lý liên quan. Cụ thể, gồm:
- Người bán có phải là chủ sở hữu hợp pháp duy nhất của mảnh đất không. Nhiều trường hợp, mảnh đất được đồng sở hữu. Vì vậy, nếu tất cả người đồng sở hữu không đồng ý giao dịch mà bạn lại vội vàng đặt cọc thì dễ gặp thiệt hại.
- Vì sao họ bán mảnh đất này. Có thể là họ đang cần tiền, họ chuyển nhà, họ muốn bán để mua mảnh đất khác, bán để trả nợ,… Nếu vì những lý do này thì bạn chỉ cần tìm hiểu pháp lý rõ ràng là đủ. Tuy nhiên, nếu họ bán vì mảnh đất bị hàng xóm khủng bố (lấn ranh đất, thường xuyên đổ chất thải, phá hoại đất,…), thường xuyên ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt, hạn hạn,… thì bạn cần phải xem xét lại. Việc tìm hiểu nguyên nhân chủ sở hữu bán mảnh đất của họ sẽ giúp bạn an tâm hơn khi tiến hành giao dịch, cũng như đảm bảo quyền lợi của bạn sau đó.
1.5 Từ người mua
Chính xác. Bạn đang không nhìn nhầm đâu. Sau khi tìm hiểu tất cả các vấn đề bên ngoài thì bạn cần nhìn nhận lại khả năng của chính bản thân mình.
Bạn dự định sẽ mua đất bằng nguồn kinh phí nào. Đó có thể là tiền tiết kiệm, tiền vay người thân, bạn bè hay tận dụng đòn bẫy tài chính từ ngân hàng. Việc xác định thật kỹ nguồn vốn đầu tư sẽ giúp bạn có một nền tảng tài chính vững vàng. Hạn chế các tình huống xấu “dự bị” về việc bán đổ bán tháo do thiếu hụt vốn.
2.Kinh nghiệm thực tế để hạn chế rủi ro khi mua đất trồng cây lâu năm
Đọc đến đây chắc hẳn bạn cũng nắm được những kiến thức cơ bản trước khi mua đất trồng cây lâu năm rồi. Để hiểu rõ về đất trồng cây lâu năm và cách đầu tư sinh lời, hiệu quả cao, bạn có thể tham khảo thêm bài viết “đất trồng cây lâu năm“.
Ngay bây giờ, blog sẽ chia sẻ đến bạn những kinh nghiệm thực tế để hạn chế những rủi ro khi mua đất trồng cây lâu năm.
2.1 Xác định mục đích mua đất
Nếu bạn mua đất để trực tiếp sản xuất, canh tác trên đất thì bên cạnh tìm hiểu thông tin về pháp lý và thị trường, bạn còn cần nghiên cứu kỹ vì thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn nước,… Vì đây là yếu tố trực tiếp ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của bạn sau này.
Nếu bạn mua đất vì mục đích đầu tư hoặc làm “của để dành” thì cần cân nhấc đến việc cho thuê lại đất. Bởi lẽ, nếu đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời gian dài.
Cụ thể, theo điểm h khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai 2013 quy định: Đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong 18 tháng liên tục thì sẽ bị nhà nước thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai.
2.2 Loại bỏ những rủi ro tiềm ẩn khác
Bạn có thể kiểm tra lại những rủi ro tiềm ẩn chính trong mục 1 của bài viết này. Đây là những rủi ro chủ yếu mà người mua gặp phải trong thời gian qua.
Nếu đã thoả mãn đầy đủ các điều kiện giao dịch hợp pháp theo quy định của pháp luật, bạn cần theo dõi quá trình chuyển nhượng.
Bạn phải luôn nhớ rằng, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất không thoả thuận bằng lời nói, hoặc viết tay. Pháp luật hiện hành chỉ chấp nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thông qua công chứng, chứng thực theo quy định.
Đã có không ít những thửa đất không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được mua bán dưới nhiều hình thức khác nhau. Hình thức được nhiều người lựa chọn nhất là việc lập vi bằng. Tuy nhiên, đây là hình thức trái pháp luật. Nếu xảy ra bất kỳ tranh chấp nào thì thiệt hại về bên mua là rất lớn. Bạn có thể tìm hiểu để biết thêm chi tiết về hậu quả pháp lý từ việc mua bán đất bằng hình thức lập vi bằng.
Bài viết dựa trên quy định pháp luật hiện hành và những tình huống thực tế trong thời gian qua, blog hy vọng đem đến cho bạn thêm những thông tin giá trị. Trên thực tế, vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi mua đất trồng cây lâu năm trong các trường hợp khác. Nếu bạn đọc có bất cứ câu hỏi liên quan có thể bình luận dưới bài viết, tôi sẽ trả lời trong thời gian sớm nhất có thể.
Cám ơn bạn đã đọc bài viết.
TRUNG OANH