Sài Gòn giãn cách, vì COVID-19

Sài Gòn, ngày 28/8/2021,

Tính từ 18 giờ ngày 27/8 đến 18 giờ ngày 28/8 (24 giờ), Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 12.103 ca nhiễm mới. Trong đó, có 6 ca nhập cảnh và 12.097 ca ghi nhận trong nước.

Cụ thể, tại TPHCM (5.481 ca), Bình Dương (4.049 ca), Đồng Nai (979), Long An (451), Tiền Giang (241), Đồng Tháp (143), Đà Nẵng (109), Khánh Hoà (92), Quảng Bình (90), Kiên Giang (77), Nghệ An (70), Hà Nội (61), Đắk Lắk (60), Bình Thuận (49), Cần Thơ (37),….

Theo đó, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 422.469 ca nhiễm, đứng thứ 60/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 166/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 4.297 ca nhiễm).

Số ca nhiễm COVID-19 tính đến ngày 28/8/2021 trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19.
Số ca nhiễm COVID-19 tính đến ngày 28/8/2021 trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19.

Những âm thanh,

Nếu bây giờ, bạn ở Sài Gòn, chắc hẳn bạn sẽ cảm nhận rõ những ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đến cuộc sống. Đó không đơn thuần là những số liệu từ báo cáo hay những hình ảnh trên báo chí mà là một cuộc sống tôi và bạn đang đối mặt mỗi ngày.

Đó là âm thanh của còi hú xe cấp cứu từ đường lớn vọng vào. Đó là tiếng ho sặc sụa của những người khác, từ nhà bên cạnh. Đó là những âm thanh tôi nghe mỗi ngày, từ căn phòng đóng kín cửa.

Tôi sống trong một con hẻm nhỏ ở phường 15, quận Bình Thạnh. Đầu lối vào hẻm chỉ rộng khoảng 1 mét, vừa đủ cho chiếc xe máy chạy một chiều. Toàn hẻm có khoảng hơn 20 hộ dân sinh sống.

Tháng 8/2021, có đến 4 hộ thông báo đã nhiễm bệnh, gần như toàn gia đình. Từ khi hẻm có người nhiễm bệnh, mọi sinh hoạt hàng ngày gần như bị đảo lộn. Không còn tiếng trẻ con chơi đùa trước hiên nhà mỗi chiều. Không còn nghe tiếng đàn của một chú lớn tuổi vẫn hay ngồi đánh vào mỗi buổi tối. Bởi vì cả gia đình 5 người nhà chú vừa test nhanh thì phát hiện dương tính. Cả gia đình 3 thế hệ bỗng dưng im ắng lạ thường.

Sài Gòn có người bệnh
Sài Gòn có người bệnh.

Những ngày đầu tháng 8, mỗi khi có việc ra đường, một cảm giác trống vắng lại ùa về tâm trí tôi. Nhìn thấy những cửa hàng buôn bán tấp nập trên đường Bạch Đằng đóng cửa nhiều tuần liền. Thậm chí, có nơi mạng nhện đã kịp giăng trước cửa, nhiều ngày liền. Nhiều con hẻm xung quanh phường 15 cũng bị giăng dây. Có khu vực giăng dây vì có ca nhiễm COVID-19. Có khu vực giang dây vì bảo vệ “vùng xanh”, “vùng vàng”, “vùng cam”,…

Không còn tiếng còi xe in ỏi mỗi ngày. Không còn ùn tắc giao thông sau giờ tan tầm. Sài Gòn bệnh, vì COVID. Sài Gòn bỗng im ắng lạ thường. Tiếng thở cũng trở nên nặng nề hơn bao giờ hết.

Đường phố Sài Gòn chiều 3/9/2021 – những ngày người dân thực hiện giãn cách xã hội tăng cường – ai ở đâu ở yên đó

Ngày giãn cách,

Từ 0 giờ 23/8/2021, người dân chấp hành nghiêm lệnh giãn cách xã hội trong 2 tuần. Trong 2 tuần này, người dân không được ra đường, dù là mua hàng hoá, thực phẩm, thuốc men. Tất cả những vật dụng cần thiết, nhu yếu phẩm sẽ được Nhà nước sắp xếp (lực lượng tại chỗ ở phường, bộ đội, công an hoặc tình nguyện viên) để mang đến tận nhà mỗi người dân.

Người dân phải hạn chế ra đường khi Sài Gòn bệnh.
Người dân phải hạn chế ra đường khi Sài Gòn bệnh.

Những hoạt động, dịch vụ không thiết yếu cũng đã “đóng cửa” từ trước để chung tay phòng, chống dịch. Trong 2 tuần thực hiện giãn cách xã hội tăng cường, các hoạt động chủ yếu cũng chỉ được thực hiện từ 6 giờ sáng đến 18 giờ chiều (điển hình là mua thực phẩm).

Riêng những đơn vị, công ty, xí nghiệp vẫn hoạt động thì phải đáp ứng “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ – ăn tại chỗ – nghỉ tại chỗ). Tại nơi tôi làm việc, nhiều anh/chị đồng nghiệp đã phải thực hiện “3 tại chỗ” từ tháng trước. Không ít người đã lâu chưa được về nhà. Nỗi nhớ con, nhớ ba mẹ, nhớ người thân vẫn âm thầm ngấu nghiến tâm tư. Nhưng để phòng chống dịch, mọi người phải nén nỗi nhớ vào trong để tiếp tục “chiến đấu”, để làm việc.

Từ cuối tháng 4, đầu tháng 5, dịch COVID-19 bùng phát, lần thứ 4. Từ ổ dịch lớn đầu tiên tại quận Gò Vấp, dịch bệnh đã len lỏi vào nhiều con phố, ngõ nhỏ khắp Sài Gòn. Suốt nhiều tháng liền, nhiều người dân lâm vào hoàn cảnh thất nghiệp. Mọi người ở nhà thực hiện nghiêm từ Chỉ thị 15 đến Chỉ thị 16. Đến tháng 8, tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 tăng cường. Mọi hoạt động gần như “đóng băng” để ngăn chặn nguồn lây của COVID-19.

Hy vọng, với sự chung sức chung lòng của toàn thể nhân dân, dịch COVID-19 sẽ nhanh chóng bị đẩy lùi. Người dân lại tiếp tục với cuộc sống mới.

Khoảng 19 giờ đêm 26/8/2021 của Sài Gon vắng bóng người qua lại.
Khoảng 19 giờ đêm 26/8/2021 của Sài Gon vắng bóng người qua lại ngày giãn cách xã hội.

Sự gắn kết khi Sài Gòn bệnh

Từ khi thực hiện giới nghiêm theo Chỉ thị 16, tôi được tổ trưởng dân phố thêm vào nhóm của khu phố mình. Mọi hoạt động, thông báo đều được tổ trưởng nhắn tin trên group nên tôi cũng nắm bắt kịp thời hơn. Nhiều nhóm hỗ trợ mua thực phẩm, thuốc men, cấp cứu,… cũng được thành lập.

Suốt 13 năm sinh sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh, đây là lần đầu tôi cảm nhận được gắn kết với khu phố. Mặc dù không ra đường, không gặp mặt nhau nhưng sự quan tâm của mọi người đã khiến Sài Gòn không còn cô quạnh nữa. Mỗi người có khó khăn, khi nhắn lên group chung thì đều được những người xung quanh nhiệt tình hỗ trợ. Đây thực sự là một đều đáng trân quý.

Người dân trong khu phố tương trợ nhau khi dịch bệnh xảy ra
Người dân trong khu phố tương trợ nhau khi thực hiện lệnh giãn cách xã hội.

Sau này, ai đã từng ở Sài Gòn trong đại dịch thì chắc sẽ cảm nhận sâu sắc tình người trong gian khó này lắm. Bởi, từng ký gạo, từng chai nước mắm, từng gói mì tôm được bà con Sài Gòn san sẻ, đỡ đần cho nhau. Những câu nói như: “Sài Gòn mạnh ai nấy sống”; “Sống ở Sài Gòn chẳng biết được mặt hàng xóm”;… chắc sẽ được đẩy lùi vào dĩ vãng.

Ngày mai, Sài Gòn sẽ hết giãn cách!

Đã là một thực thể, thì phải có lúc khoẻ, lúc yếu. Sài Gòn cũng vậy. Sài Gòn, lúc này, đang bệnh. Ngày mai, Sài Gòn, sẽ khoẻ. Đây cũng là quy luật tất yếu của vũ trụ. Sài Gòn sẽ khoẻ. Phố xá lại tấp nập, hàng quán lại nhộn nhịp. Tiếng còi xe ồn ào, mùi khói bụi khét lẹt hoà lẫn vào dòng người mỗi buổi chiều tan tầm, lại xuất hiện.

Trong những khoảnh khắc mệt mỏi vì tắc đường, thi thoảng, chắc chúng ta sẽ nhớ lại những ngày phải ngồi nhà để thực hiện lệnh giãn cách. Lúc này, nhất định chúng ta sẽ có thể nhẹ nhàng mỉm cười. Vì lúc đó, nhiều người trong chúng ta luôn ước ao được nhanh chóng “quay lại Sài Gòn của những ngày kẹt xe, ngày khói bụi”. Và bây giờ, khi dịch đi qua, chúng ta đã được tất bật, được chen chút trong dòng xe đông đúc để đi, và về.

Nếu bạn đọc được những dòng này, tôi tin rằng, bạn đang rất may mắn. Bởi tôi cũng vậy, tôi đã rất may mắn khi được ngồi đây để chia sẻ với bạn. Chúng ta may mắn, vì chúng ta vẫn đang khoẻ mạnh, vẫn có thể ý thức được vui buồn trong cuộc sống. Và chúng ta vẫn có thể nỗ lực cho một ngày mai, tốt đẹp hơn.

Hy vọng mọi đều tốt đẹp nhất sẽ đến với chúng ta.

TRUNG OANH

Vui lòng đọc kỹ bản quyền trước khi sao chép nội dung bài viết này.

Thông tin về tác giả.

About The Author

Scroll to Top