Sử dụng đất sai mục đích có bị thu hồi không

Hầu hết người sử dụng đất đều mong muốn có thể khai thác tối đa khả năng sinh lời trên mảnh đất của mình. Tuy nhiên, với mỗi loại đất đều có mục đích sử dụng khác nhau. Người sử dụng cần nắm rõ và sử dụng đúng mục đích.

Mục đích sử dụng đất được ghi trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất.

Vậy nếu sử dụng sai mục đích thì bị xử phạt như thế nào? Trường hợp nào sẽ bị xử phạt hành chính và trường hợp nào sẽ bị thu hồi đất?

Để làm rõ vấn đề này, mời bạn đọc bài viết dưới đây.

Mục lục:
  1. Sử dụng đất sai mục đích là gì
  2. Sử dụng đất sai mục đích có bị thu hồi không
Căn cứ pháp lý:
  • Luật Đất đai 2013
  • Các văn bản pháp luật liên quan.

1. Sử dụng đất sai mục đích là gì?

Mục đích sử dụng đất do Nhà nước quyết định, thông qua quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất. Nhà nước cũng cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. (Điều 14 Luật Đất đai 2013).

Căn cứ Điều 6 Luật Đất đai 2013 thì nguyên tắc sử dụng đất phải đảm bảo các điều kiện sau:

  • Đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất.
  • Tiết kiệm, có hiệu quả, bảo vệ môi trường và không làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của người sử dụng đất xung quanh.
  • Người sử dụng đất thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình trong thời hạn sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Nhà nước đã quy định mục đích sử dụng và có hướng dẫn cụ thể với từng nhóm đất. Cụ thể: Đất nông nghiệp để trồng cây và nuôi trồng thuỷ sản; đất ở để xây nhà; Đất sử dụng vào mục đích công cộng để xây dựng công trình giao thông, thuỷ lợi, trung tâm văn hoá, chợ,…

Để hiểu rõ mục đích sử dụng của đất trồng cây lâu năm, mời bạn đọc bài viết này

Vì vậy, nếu sử dụng đất sai mục đích thì sẽ bị xử phạt hành chính. Trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng, Nhà nước có thể tiến hành thu hồi đất. (Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai theo điểm b khoản 1 Điều 16 Luật Đất đai).

2. Sử dụng đất sai mục đích có bị thu hồi không

Theo Điều 64 Luật Đất đai 2013, các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai bao gồm:

  • Sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm;
  • Người sử dụng đất cố ý huỷ hoại đất;
  • Đất được giao, cho thuê không đúng đối tượng hoặc không đúng thẩm quyền;
  • Đất không được chuyển nhượng, tặng cho theo quy định mà nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho;
  • Đất được Nhà nước giao để quản lý mà để bị lấn, chiếm;
  • Đất không được chuyển quyền sử dụng đất theo quy định mà người sử dụng đất do thiếu trách nhiệm để bị lấn, chiếm;
  • Người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà không chấp hành;
  • Đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liên tục; đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn 24 tháng liên tục;
  • Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.

Người dân chỉ được xây nhà trên đất ở

2.1 Khi nào bị thu hồi?

Căn cứ vào các quy định của pháp luật, ta có thể thấy, Nhà nước chỉ thu hồi đất khi thoả mãn đủ 2 yếu tố sau:

  • Sử đụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất;
  • Đã bị Nhà nước xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm;

Chính vì vậy, nếu sử dụng đất sai mục đích thì sẽ bị xử phạt. Nhưng nếu người vi phạm đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước và tái sử dụng đúng mục đích thì sẽ không bị thu hồi đất.

Vì vậy, không phải trường hợp nào sử dụng đất không đúng mục đích cũng bị thu hồi.

2.2 Trường hợp bị thu hồi khác

Bên cạnh việc thu hồi do vi phạm pháp luật về đất đai, Nhà nước còn quyết định thu hồi đất trong các trường hợp sau:

  • Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng;
  • Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe doạ tính mạng con người.

Ngoài ra, Nhà nước còn có thể quyết định trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai.

Tổng kết

Dựa vào căn cứ pháp luật ta có thể thấy, nếu sử dụng đất sai mục đích thì có thể bị thu hồi đất. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào sử dụng đất sai mục đích thì cũng bị thu hồi. Nếu bạn phát hiện mình sử dụng sai mục đích thì nên nhanh chóng phục hồi hiện trạng ban đầu và sử dụng lại cho đúng. Trong trường hợp nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì nhanh chóng thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước.

Nhà nước luôn tạo điều kiện cho công dân sinh sống, học tập, làm việc ổn định, lâu dài trên lãnh thổ. Các quy định pháp luật sẽ giúp cho sự phát triển của xã hội thêm bền vững, nhân văn, vì lợi ích chung của cộng đồng. Vì vậy, thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của công dân không chỉ giúp ích cho sự nghiệp bản thân mà còn góp phần phát triển xã hội.

Bài viết dựa trên quá trình học hỏi, quan sát, phân tích, đúc kết của Dương Trung oanh, hy vọng mang thông tin giá trị đến bạn đọc. Nếu bạn đọc có bất cứ câu hỏi nào mời bàn bình luận ở dưới bài viết, tôi sẽ trả lời trong thời gian sớm nhất.

Cám ơn bạn đã đọc bài viết!

TRUNG OANH

Vui lòng đọc kỹ bản quyền trước khi sao chép nội dung bài viết này.

Thông tin về tác giả.

About The Author

Scroll to Top