Từ giữa cuối tháng 6-2021, Việt Nam đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng dịch COVID-19 với quy mô lớn nhất trong lịch sử. Và mục tiêu 150.000.000 liều vaccine như Nghị quyết 21 của Chính phủ.
Thông tin thêm, dân số hiện tại của Việt Nam là 98.176.244 người (tính đến ngày 4-7-2021, theo số liệu từ Liên Hợp Quốc, nguồn danso.org)
Thực tế, phần lớn những bạn đang đọc bài viết này đều ít nhất được tiêm vaccine một lần trong đời rồi. Điển hình là các loại vaccine phòng cúm, sởi, quai bị, rubella, viêm não Nhật Bản, viêm gan A,… được khuyến cáo bắt đầu tiêm từ khi còn bé. Nếu đọc đến đây, bạn hãy thử nhìn xuống cánh tay trái của mình có thấy một vết sẹo nhỏ khoảng 5mm không. Đó chính là mũi tiêm vaccine phòng bệnh lao đấy.
Dù đã được tiếp cận, tiêm chủng nhiều loại vaccine nhưng không phải ai trong chúng ta cũng thực sự hiểu về vaccine. Vì vậy, ngay trong thời điểm dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, tôi muốn chia sẻ với các bạn những thông tin cần biết về vaccine AstraZeneca để có sự chuẩn bị tốt hơn khi đến các cơ sở y tế thực hiện việc tiêm chủng. Nếu bạn là người đang chuẩn bị tiêm hay đã tiêm chủng (chỉ mới mũi 1 hay hoàn thành cả 2 liệu trình) thì cũng nên tham khảo thêm những kiến thức hữu ích này để tự bảo vệ sức khoẻ của bản thân và gia đình.

Thông tin chung về vaccine
Tại sao tôi chọn nói riêng về vaccine AstraZeneca
Bởi vì đây là loại vaccine đang được tiêm chủng phủ sóng trên toàn quốc. Chính vì vậy, tôi sẽ chỉ tập chung nói về loại vaccine này. Bên cạnh thông tin riêng về vaccine AstraZeneca, tôi sẽ đề cập đến những thông tin chung về vaccine để bạn có một cái nhìn khái quát, toàn cảnh hơn.
Vaccine AstraZeneca là gì?
Vaccine AstraZeneca được đồng thời phát triển bởi Đại học Oxford (Vương quốc Anh) và công ty AstraZeneca. AstraZeneca là công ty dược phẩm sinh học toàn cầu có trụ sở tại Anh. Hãng dược này hoạt động tại Việt Nam từ năm 1994.
Vaccine được sản xuất trong tế bào thận phôi người (HEK) 293 đã được biến đổi gen. Sau khi tiêm, cơ thể người tiếp nhận vaccine sẽ được kích thích đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào và tạo kháng thể trung hoà. Vaccine được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông qua chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp vào ngày 15-2-2021 và được nhiều quốc gia chấp thuận lưu hành, sử dụng.
Tại Việt Nam, vaccine này đã được Bộ Y tế phê quyệt có điều kiện vaccine cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch bệnh COVD-19 theo Quyết định số 983/QĐ-BYT ngày 1-2-2021. Vaccine đã được triển khai với 3 địa phương đầu tiên là TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Hải Dương. Đến nay, vaccine đã được phủ rộng toàn quốc.
Ai không thể tiêm vaccine AstraZenaca?
- Người dưới 18 tuổi và trên 65 tuổi.
- Người đang mắc bệnh cấp tính.
- Phụ nữ mang thai và cho con bú bằng sữa mẹ.
- Người bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch.
- Người đang mắc bệnh ung thư, sơ gan, giảm tiêu cầu, rối loạn đông máu.
- Người đã mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng hoặc tiêm vaccine khác trong vòng 14 ngày trước.
- Và những người có tiền sử dị ứng nặng với bất cứ thành phần nào của vaccine. Thành phần vaccine COVID-19 của AstraZeneca bao gồm một hoạt chất và các tá dược, cho phép vaccine được sử dụng dưới dạng tiêm. Tá dược trong vaccine COVID-19 của AstraZeneca gồm: L-Histidine; L-Histidine hydrochloride monohydrate (cả hai axit amin); Magie clorua hexahydrat (hỗ trợ các hoạt động bên trong tế bào); Polysorbate 80 (một chất ổn định); Ethanol (rượu); Sucrose (đường); Natri clorua (muối); Isodium edetate dihydrate (EDTA, một chất liên kết); Nước để tiêm.
Nắm rõ thông tin này khi tiêm vaccine phòng COVID-19
Cần chuẩn bị những gì khi đến điểm tiêm chủng?
Nếu có thể, bạn nên khai báo y tế trước 30 phút khi đến điểm tiêm chủng để đỡ mất thời gian cho việc này. Đồng thời, bạn cũng không nên mang một cái bụng quá đói (hoặc quá no) khi đến điểm tiêm.
Cần mang theo các giấy tờ tuỳ thân cần thiết (căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế,…). Đeo khẩu trang đúng chuẩn. Nên mặc áo thun, tay ngắn để thuận tiện cho việc tiêm chủng. Mang theo áo khoác phòng hờ cần dùng khi phải ngồi chờ 30 phút sau tiêm.
Quan trọng nhất, bạn cần chuẩn bị một tinh thần khoẻ mạnh và những kiến thức cần biết liên quan đến việc tiêm chủng để tự bảo vệ sức khoẻ bản thân. Không uống rượu bia và các chất kích thích trước và sau tiêm chủng.
Nếu được, bạn nên nhờ người thân đưa đi đến các điểm tiêm chủng. Việc này đề phòng nguy cơ lo lắng, mất tập trung, choáng váng sau tiêm mà còn phải tự lái xe về nhà, rất không an toàn.
Triệu chứng sau tiêm vaccine AstraZenace?
Sau tiêm, không đắp bất cứ thứ gì vào vị trí tiêm.
Vaccine phòng COVID-19 thông thường sau tiêm có thể có phản ứng thường gặp như: sưng, đỏ, đau, ngứa nơi tiêm, khó chịu, mệt mỏi, sốt (phổ biến là sốt nhẹ và phổ biến là sốt >= 38 độ C), ớn lạnh, đau đầu, buồn nôn, đau khớp, mỏi cơ, chán ăn, đau bụng, hạch to, đổ nhiều mồ hôi, phát ban.
Thông thường, triệu chứng này sẽ xuất hiện từ sau 12 giờ và biến mất sau vài giờ hoặc vài ngày, tuỳ cơ địa của từng người. Tuy nhiên, nếu có những triệu chứng bất thường khác thì cần phải liên hệ ngay với y tế để được hỗ trợ tốt nhất.
Bản thân tôi đã tiêm đủ 2 liệu trình tiêu chuẩn (mũi 1 vào ngày 23/2/2021, mũi 2 vào ngày 22/6/2021). Cả 2 lần tiêm tôi chỉ bị đau cơ nhẹ phần cánh tay tiêm và ngay sau cổ vào đêm đầu tiên sau tiêm. Triệu chúng này cũng biến mất sau 24 giờ tiêm. Riêng một số bạn bè tôi tiêm về thì bị căng cơ và sốt cao liên tục trong khoảng 2 ngày thì hết.
Tại điểm tiêm, bác sĩ cũng có khuyến cáo nếu sốt cao >38 độ và đau cơ nặng không chịu nổi thì có thể uống thuốc hạ sốt và giảm đau cơ. Sau tiêm, bạn cũng cần bổ sung nhiều nước, ăn thực phẩm chứa nhiều chất sơ và nguyên hạt, tránh làm việc quá sức, nghỉ ngơi đầy đủ để bảo đảm sức khoẻ được phục hồi nhanh chóng hơn.
Khi nào cần phải đến bệnh viện?
Cần đưa ngay người tiêm chủng tới bệnh viện hoặc cơ sở y tế nếu có các dấu hiệu bất thường sau tiêm chủng như sốt cao (>=39 độ C) liên tục, tím tái, khó thở, đau bụng, tiêu chảy, nôn ói, vật vã, lừ đù,… hoặc phản ứng thông thường kéo dài trên 24 giờ sau tiêm chủng.
Khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là bao lâu?
Liệu trình của vaccine AstraZeneca là 2 mũi tiêm, cách nhau từ 4 đến 12 tuần. Tuy nhiên, có một số khuyến cáo cho rằng mũi 2 nên cách mũi 1 khoảng 12 tuần là tốt nhất. Vì các dữ liệu nghiên cứu cho thấy những người chờ đợi lâu hơn cho lần tiêm thứ 2 sẽ có số lượng kháng thể nhiều gấp đôi. Tuy vậy cho đến lúc này các nhà khoa học vẫn chưa thể lý giải được nguyên nhân khiến cho hiệu quả của vaccine sẽ tăng lên khi mũi thứ hai được tiêm cách xa mũi thứ nhất.
Điều gì xảy ra nếu không tiêm mũi 2?
Do phát đồ tiêm chủng của vaccine AstraZeneca là 2 liều. Nếu vì bất cứ lý gì làm bỏ lỡ hoặc trì hoãn liều vaccine thứ 2 sẽ làm giảm hiệu quả của liệu trình.
Ngoài ra, vaccine AstraZeneca còn được chứng minh là tạo ra hiệu quả bảo vệ với hai biến thể mới của virus SARS-CoV-2 là Ấn Độ (B.1.617.2) và Anh (B.1.17). Vì vậy, người tiêm mũi 1 không nên bỏ lỡ mũi tiêm thứ 2.
Lo sợ biến chứng tử vong sau tiêm?
Việc lo lắng này là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, bạn cần bình tĩnh xem xét thông tin, tìm hiểu kỹ vấn đề để cho mình một sự lựa chọn tốt nhất.
Trên thế giới, đã có những quốc gia đã xuất hiện trường hợp tử vong sau khi tiêm vaccine AstraZeneca. Việt Nam cũng ghi nhận vài trường hợp tử vong sau khi khi tiêm loại vaccine này. Cụ thể, một nữ nhân viên y tế 35 tuổi đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu (An Giang) tử vong do sốc phản vệ sau tiêm chủng. Hoặc trường hợp một thầy giáo 26 tuổi ở Hà Nội ngưng thở sau 39 giờ tiêm. Những biến chứng này là điều không ai mong muốn, nhất là đối với gia đình người bị nạn thì nỗi đau lại nhân lại gấp nhiều lần. Đây cũng là trường hợp rất hiếm gặp sau tiêm.
Chúng ta cũng cần nhìn nhận, cả 2 trường hợp này đều được tổ chức tiêm chủng theo đúng quy định. Đồng thời, rất nhiều người tham gia tiêm vaccine trong cùng khoảng thời gian và địa điểm này đều không xuất hiện biến chứng đáng tiếc như trên. Vì vậy, thay vì tẩy chay vaccine, tôi nghĩ bạn nên chủ động tìm hiểu kiến thức liên quan để có một quyết định sáng suốt nhất. Đặc biệt, bạn cần xem kỹ các chống chỉ định của vaccine để đối chiếu tiền sử bệnh của mình trước khi quyết định việc tiêm chủng. Nếu có bất cứ thắc mắc gì, bạn cần liên hệ ngay bác sĩ để hỏi rõ nhằm tránh những biến cố không đáng có.
Tiêm vaccine xong thì có “bất tử” với COVID-19?
Trên thực tế, không có loại vaccine nào có hiệu quả 100% khả năng phòng bệnh. Vaccine AstraZeneca được chứng minh có hiệu quả bảo vệ khoảng 89%. Đây là con số rất đáng kỳ vọng và lý tưởng để tiến hành tiêm chủng.
Vì vậy, sau tiêm vẫn có thể nhiễm bệnh. Tuy nhiên, nếu nhiễm bệnh, người có kháng thể từ vaccine sẽ có triệu chứng bệnh nhẹ hơn, giảm tỷ lệ nằm viện và tử vong.
Không cần đeo khẩu trang sau 2 mũi tiêm?
Việc tiêm vaccine làm giảm khả năng nhiễm bệnh cũng như giảm triệu chứng bệnh chứ không bảo vệ miễn dịch 100%. Tiêm vaccine AstraZeneca xong vẫn có sự lây nhiễm đối với người đã tiêm đủ 2 liệu trình.
Chính vì vậy, dù đã tiêm đủ 2 mũi vaccine thì mọi người vẫn nên thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm theo thông điệp 5K của Bộ Y tế. Hành động này không chỉ tự bảo vệ bản thân, gia đình, bạn bè xung quanh mà còn bảo vệ túi tiền của mình (Hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng có thể bị xử phạt từ 1 đến 3 triệu đồng theo Nghị định 117/2020/ND0-CP).
Đây là những thông tin mà tôi đã thu thập, tìm hiểu trước, trong và sau quá trình tiến hành liệu trình tiêm đủ 2 mũi vaccine AstraZeneca. Hy vọng qua bài biết, bạn có thể nắm rõ thông tin khi tiêm vaccine phòng COVID-19. Nếu bạn có thêm những thắc mắc liên quan có thể bình luận dưới bài viết này. Nếu câu hỏi trong khả năng, tôi sẽ trả lời ngay. Nếu nghi vấn ngoài khả năng thì tôi sẽ tham khảo ý kiến bác sĩ, chuyên gia để cung cấp cho bạn đáp án sớm nhất.

Cám ơn bạn đã đọc bài viết!
Trung Oanh.
Vui lòng đọc kỹ bản quyền trước khi sao chép nội dung bài viết này.
Thông tin về tác giả.