Có bao giờ bạn tự hỏi, làm sao để biết bản thân mình cần gì và cách để làm tốt mọi thứ. Tại sao ai cũng có 24 giờ mỗi ngày nhưng mình vẫn thấy thời gian không bao giờ là đủ. Nếu đúng như vậy, mời bạn cùng tôi tìm hiểu bí quyết làm tốt mọi thứ với NHƯ LÝ TÁC Ý để cuộc sống trở nên bình an và hạnh phúc hơn.
1. Như lý tác ý là gì?
Như lý tác ý là một thuật ngữ Phật học. Như lý là chân lý, tác ý là khả năng tác động để tạo ra ý nghĩ trong tâm.
Mỗi ngày khi ta đối diện với cuộc sống, tâm sẽ khởi sinh những suy nghĩ và hành động theo các hướng: thiện, ác, hoặc trung tính. Nếu một người không nặng về tham, sân, si thì ý thức khởi sinh theo hướng thiện, và ngược lại.
Những suy nghĩ trong tâm chúng ta luôn luôn biến động và không ngừng thay đổi. Quyết định chọn khởi sinh theo hướng thiện hay ác là do sự lựa chọn của mỗi người.
2. Cơ chế vận hành của như lý tác ý
Khi nuôi dưỡng ý thức theo hướng thiện sẽ giúp con người có khả năng dứt trừ các khổ đau, bình an vượt qua biến cố. Và ngược lại, nếu dung dưỡng tâm theo hướng ác sẽ khiến bản thân luôn sầu bi, oán giận, nhìn đời một cách tiêu cực.
Nếu biết cách như lý tác ý đúng sẽ giúp tâm đặt đúng hướng, nghĩ về sự vật và hiện tượng đúng như bản chất của chúng. Nghĩa là mọi sự vật và hiện tượng đều do duyên mà có mặt, luôn luôn biến đổi, ta không thể làm chủ hết.
Vì vậy, khi có cũng đừng quá vui, khi mất đừng quá buồn, luôn tập luyện để tâm quân bình trước cuộc sống, để bạn có thể nhẹ nhàng bước qua từng chặn đường đời. Khi ấy sẽ giúp bản thân đạt được sự cân bằng trong cuộc sống, không bị tham, sân, si chi phối. Nếu tập được điều này, bạn đã lận lưng được bí quyết sống bình an với như lý tác ý.
3. Cách làm tốt mọi thứ với như lý tác ý
Để tập như lý tác ý, bạn nên dùng lời nói, ngắn gọn, trực tiếp vào vấn đề mà mình muốn tâm phải quen thuộc đến khi trở thành một phản xạ tự nhiên.
Đến tận bây giờ, tôi vẫn thường dùng câu tác ý mỗi ngày: “Mong bản thân luôn sáng suốt nhìn đúng bản chất của vấn đề”. Vì vậy, mỗi khi được đề nghị một công việc hậu hĩnh hay phát triển dự án mới, tôi sẽ chậm lại một nhịp, để câu tác ý trên hiện về.
Lúc này, tôi sẽ chậm rãi hít thở đều, suy nghĩ về bản chất của lời đề nghị hay dự án trên rồi sẽ quyết định. Chính nhờ hành động “chậm lại một nhịp” để nhìn nhận đúng bản chất của vấn đề đã giúp tôi tránh nhiều rủi ro khi thấy “tiền trước mắt mà không nhặt”.
4. Có ba tác ý cần tập luyện
Có ba việc phải tập giúp tâm hướng thiện để hướng đến cuộc sống bình an: tác ý trường kỳ, tác ý ngắn hạn và tác ý nhất thời. Mỗi người cần tự nghĩ ra câu tác ý cho bản thân một cách ngắn gọn, dễ hiểu để có thể tập luyện mọi lúc mọi nơi.
Tác ý trường kỳ
Đọc đến đây, nếu bạn muốn thử tập như lý tác ý thì hãy ngồi lại, nghĩ thật chậm về hành trình của bản thân. Bạn mong muốn điều gì cho tương lai, điều gì là quan trọng nhất đối với bạn và hãy viết ra một câu thật ngắn gọn để tác ý trường kỳ.
Tác ý ngắn hạn
Với tác ý ngắn hạn và tác ý nhất thời có thể thay đổi linh động theo từng thời điểm.
Ví dụ, nếu bạn là người hay vội vàng, thì trước khi vào phòng thi, bạn hãy tác ý “Mong cho bản thân bình tĩnh, sáng suốt làm hết đề thi”. Nếu tác ý đủ sâu, khi bạn mất bình tĩnh thì ý nghĩ trên sẽ hiện về và trợ lực để bạn thực hiện điều đang làm. Ứng dụng phương pháp này vào đời sống, bạn sẽ học được cách làm tốt mọi thứ với như lý tác ý.
Theo tôi tìm hiểu, vẫn còn một số bạn chưa hình dung được sự khác nhau…. Chính vì vậy, tôi sẽ giải thích sơ hai cụm từ này để mọi người cùng hiểu rõ hơn.
5. Sự khác nhau giữa như lý tác ý và tự kỷ ám thị
Như lý tác ý là đưa tâm về đúng hướng như bản chất của vấn đề, còn tự kỷ ám thị là cố gắng điều khiển tâm theo cách mà bản thân muốn. Tự kỷ ám thị còn gọi là tự mình che mắt, tự thôi miên, tự tâm niệm. Ngày nay, các bạn trẻ thường được nghe nhiều về tự kỷ ám thị. Đặc biệt, là tại các lớp: “học làm giàu”; “phát triển bản thân”,… được tổ chức khắp mọi nơi.
Thực tế, nếu bạn liên tục gieo một điều gì vào tâm trí, dù đúng dù sai, thì đến một lúc nào đó, bạn sẽ chấp nhận nó như một sự thật hiển nhiên. Ngay lúc này đây, bạn thử chậm lại một nhịp để ngẩm nghĩ, bạn sẽ bất ngờ khi thấy rất nhiều “sự thật” như thế ở xung quanh chúng ta.
Bạn có nhớ!
Khi còn nhỏ mình rất hay bị người lớn bảo rằng: “nếu con không chịu ngủ sớm thì ông kẹ sẽ đến bắt đi ăn thịt đó” (hoặc đại loại những câu hù doạ về một thế lực siêu nhiên nào đó).
Mặc dù lúc đó không biết ông kẹ là gì nhưng thông qua lời người lớn thì bạn sẽ hình dung về một người xấu xí, đáng sợ, chuyên bắt cóc và ăn thịt trẻ con. Chính vì vậy, mỗi khi nghe đến ông kẹ thì bạn sẽ nín khóc, đi ngủ vì… sợ. Tôi tin chắc nhiều người đã lớn lên như thế.
Quan điểm cá nhân, tôi không cho rằng như lý tác y hay tự kỷ ám thị, cái nào tốt hơn cái nào. Tôi chỉ muốn chia sẻ bản chất thật của từng thuật ngữ. Và trong từng trường hợp cụ thể, mỗi thuật ngữ sẽ phát huy tác dụng từ bản chất thật của nó, và hữu dụng với bạn. Riêng trong bài viết này, tôi sẽ đề cập nhiều đến chủ đề chính, là như lý tác ý.
Vậy như lý tác ý có gì hay?
6. Như lý tác ý có dụng chữa lành?
Bản chất của như lý tác ý là đưa tâm về đúng hướng, giúp ta nhìn nhận vấn đề như bản chất thật của nó. Mọi sự vật và hiện tượng đều do duyên mà có mặt, chúng ta không thể tự điều khiển hết. Vì vậy, điều ta nên làm là chấp nhận và khởi sinh tâm về hướng tích cực.
Chữa lành chấp niệm
Nếu bạn từng có một cuộc hôn nhân dang dở, tình cảm bị tổn thương sâu nặng khiến bản thân không còn tin vào tình yêu. Khi một người thực sự quan tâm, chấp nhận, yêu thương thật lòng tìm đến. Bạn lại dùng “tổn thương cũ” để nghi ngờ và né tránh người mới sẽ khiến cả hai cùng đau khổ.
Nếu biết như lý tác ý, bạn có thể nhìn đúng bản chất vấn đề hơn. Tình yêu vẫn luôn đẹp, vẫn luôn ở đó. Phải chăng vì sóng gió cuộc đời khiến ta nhiều lần va vấp, để ta dùng “ánh mắt” sắt bén soi lỗi của yêu thương. Nếu bao dung hơn khi nghĩ về mối tình vụn vỡ để tìm ra lỗi sai của chính mình. Nếu bạn xem những tổn thương cũ là bài học để bắt đầu một mối tình mới, hoàn thiện hơn thì tôi nghĩ bạn sẽ hạnh phúc hơn gấp nhiều lần.
Nhìn đời tích cực hơn
Nếu bạn không đỗ một kỳ thi mà mình đã cố gắng hết sức để hướng đến. Không sao cả, bạn à. Bạn biết mình đã cố gắng hết sức, nhưng bạn có biết người khác còn cố gắng nhiều hơn. Nếu lần này bạn trượt thì điều này “mở” thêm cho bạn một cơ hội để ôn luyện thêm, vững vàng hơn, cho lần sau. Mọi việc điều có cách để giải quyết, điều quan trọng là bạn đã chọn cách giải quyết như thế nào.
Khi nhìn đúng bản chất của vấn đề, bạn có thể hiểu được nguyên nhân của khổ đau, của thành công, của thất bại. Với tôi, trên đời này không có gì là hoàn toàn đúng, hay hoàn toàn sai, cái gì cũng có ít nhất hai mặt của vấn đề. Việc của tôi là lựa chọn, chấp nhận và cố gắng hết mình. Để khi “nhân” và “duyên” gặp nhau thì sẽ nhận được “quả”. Còn nếu lần một tôi làm sai, thì lần hai tôi làm lại, trọn vẹn hơn, trưởng thành hơn.
Hy vọng sau khi dành thời gian nghe những chia sẻ này, bạn có thể tìm thấy thêm vài điều có ích cho cuộc sống của mình. Đó có thể là một cái mỉm cười buông bớt gánh nặng khổ đau đã qua để hành trang phía trước được nhẹ nhàng, thảnh thơi hơn. Hoặc đó có thể là một bí quyết cho hành trình phía trước được trọn vẹn, vững vàng hơn. Mọi lựa chọn đều đang nằm trong tay bạn.
Trung Oanh